Thu gom, không đốt rơm ở trên đồng ruộng tránh ô nhiễm môi trường ở Phú Lương, Phú Vang

Nhiều mô hình hiệu quả

Một trong những “điểm nhấn” hoạt động hiệu quả từ nguồn vốn khuyến nông là mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường và mô hình áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ (bằng chế phẩm sinh học hữu cơ vi sinh) sau thu hoạch vụ đông xuân.

Để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, tận dụng nguồn phụ phẩm này phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa, năm 2019, mô hình máy cuộn rơm đầu tiên được thực hiện tại xã Phong Hiền (Phong Điền); năm 2020 tiếp tục thực hiện với quy mô 3 máy ở các địa phương Phú Vang, Phong Điền. Theo đánh giá của TTKN tỉnh, mô hình máy cuốn rơm đem lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Vụ hè thu năm 2020, các máy này cuốn được gần 20 nghìn cuộn rơm trên diện tích khoảng 95 nghìn ha. Với dịch vụ gom rơm bằng máy cuộn rơm, chủ máy có thu nhập trên 22,5 nghìn đồng/sào, người thuê dịch vụ tiết kiệm được 10 nghìn đồng/sào so với thuê thu gom truyền thống. Giá trị tăng thêm từ rơm khoảng 100 nghìn đồng/sào. Đến nay đã có 14 máy cuốn rơm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (trong đó có 4 máy tự hành), tạo tính cạnh tranh giá dịch vụ giữa các chủ máy, lợi ích thiết thực cho cộng đồng sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Hiến - nông dân xã Phú Lương (Phú Vang) cho biết, từ thành công bước đầu, ngoài thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương, một số chủ máy đã bán rơm tại tuyến quốc lộ với giá từ 20-22 nghìn đồng/cuộn cho các đối tác ở ngoài tỉnh như Hà Nội, Bình Định, Phú Yên. Với giá thuê cuốn rơm và chở rơm nơi tập kết 10-11 nghìn đồng/cuộn, người nông dân sẽ có thu nhập 90-120 nghìn đồng/sào ruộng.

Những năm tới, việc phát triển máy cuốn rơm không những làm dịch vụ thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mà còn bán cho các tỉnh khác. Việc đầu tư máy cuốn rơm không còn dừng lại ở hộ tư nhân phục vụ sản xuất cho gia đình mà dần chuyển sang kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp.

Mô hình nuôi gà lai lông màu được thực hiện tại 2 xã Điền Môn và Điền Hương (Phong Điền) với 1.000 con được thả nuôi của 20 hộ dân tham gia. Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, sau thời gian nuôi 105 ngày, tỷ lệ nuôi sống đạt 94.8%. Trọng lượng gà xuất bán bình quân đạt 1,88kg/con. Tỷ lệ tiêu tốn thức ăn 2,86kg/kg tăng trọng. Giá bán 70 nghìn đồng/kg, cao hơn 5-10 nghìn đồng so với các giống gà lai nuôi trang trại, thu nhập bình quân đạt 1,6 triệu đồng/hộ, những hộ nuôi tốt đạt 1,9 triệu đồng/hộ.

Theo Hội Nông dân xã Điền Hương, kết quả lớn nhất của mô hình là các hộ nông dân tham gia đã chủ động thực hiện được các kỹ thuật, kỹ năng chăn nuôi và phòng bệnh để tiếp tục phát triển mô hình bền vững và lâu dài. Với kiến thức kỹ năng đã được hướng dẫn và áp dụng thành công, sau khi mô hình kết thúc, các hộ dân vẫn tiếp tục nuôi và xuất bán.

Nhiều nơi ở Phú Vang, Phong Điền rơm trở thành "mặt hàng" có giá trị, không còn là phế phẩm phải đốt bỏ

Còn phân tán

Nhiều năm qua, TTKN tỉnh triển khai các mô hình khuyến nông trong tất cả các lĩnh vực sản xuất từ trồng trọt, chăn nuôi đến nuôi trồng thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế khá cao ở các địa phương. Trong đó, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông lâm của tỉnh đã triển khai 7 mô hình; nguồn kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa 6 mô hình; nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) 1 mô hình và từ nguồn kinh phí của các dự án khuyến nông Trung ương 2 mô hình.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh đánh giá, các mô hình sản xuất nông nghiệp cơ bản bám sát nhu cầu phát triển của từng địa phương, thực sự mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho các hộ nông dân tham gia, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo.Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động khuyến nông làm thị trường tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn, giá nông sản giảm mạnh. Việc tiếp cận của nông dân với các dịch vụ sản xuất, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại chưa rộng, chưa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất về lâu dài.

Bên cạnh đó, các mô hình còn phân tán, dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng nông dân khác nhau, chỉ tập trung vào xây dựng mô hình để chuyển giao kỹ thuật, chưa có mô hình tổng hợp, liên kết theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ và mô hình ứng dụng công nghệ cao.

“Thời gian tới, chương trình khuyến nông tiếp tục bám sát các nội dung giải pháp của đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; chương trình MTQG xây dựng NTM và chương trình khuyên nông tỉnh giai đoạn 2021-2025 (đang trình UBND tỉnh phê duyệt), để xây dựng các mô hình khuyến nông-lâm-ngư trên cơ sở phù hợp, bám sát định hướng của ngành, địa phương và nhu cầu thực tế sản xuất”, ông Phi khẳng định.

Nhiều giống lúa mới có triển vọng

Bình quân mỗi mùa vụ trên địa bàn tỉnh sử dụng 30-40 giống lúa các loại, trong đó giống Khang Dân vẫn là chủ lực. TTKN tỉnh đã thực hiện các mô hình khảo nghiệm sản xuất và áp dụng các giống lúa mới có triển vọng như HC4, HN6, Ma lâm 48, LDA1, KH1, HG12… Đây là các giống lúa mới có ưu thế về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sản xuất từng địa phương.

Bài, ảnh: Hà Nguyên