Công viên nghĩa trang Hương An Viên với dịch vụ hiếu nghĩa văn minh, hiện đại

“Mất trật tự”

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, đặc biệt là người Huế, nơi an nghỉ cuối cùng luôn là địa điểm quan trọng. Hầu như ở các ngôi làng trên địa bàn tỉnh đều có nghĩa trang, nghĩa địa. Đó có thể là nơi chôn cất tồn tại hàng trăm năm nay và cũng có điểm mới thành lập.

Đời sống hiện đại, quỹ đất vơi dần theo thời gian. Bởi thế mà dù chưa “khuất núi” nhưng nhiều người đã  “giành” đất nghĩa địa, thậm chí tự “quy hoạch” mộ phần cho cả gia tộc bằng cách xây sẵn phần móng trên khu đất họ cho là đẹp. Điều đó không chỉ vi phạm quy định của Nhà nước mà còn gây cảnh “mất trật tự” tại các khu chôn cất. Việc quản lý, kiểm soát của chính quyền địa phương cũng khó khăn bởi liên quan đến yếu tố tâm linh.

Gặp khó trong việc bố trí nguồn kinh phí di dời lăng mộ và xây dựng khu nghĩa trang, nhiều địa phương chỉ biết vận động người dân mai táng vào những vị trí đã quy hoạch sẵn. Và tình trạng lăng mộ quay mặt hoặc sát nách nhà ở của dân bây giờ rất phổ biến.

Trong các năm gần đây, khi TP. Huế phát triển và liên tục mở rộng khu dân cư thì phải đền bù, di dời mộ phần rất tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước và không yên ổn cho mộ phần tổ tiên các gia đình.

Không chỉ tại các khu nghĩa địa tự phát, các khu nghĩa trang nổi tiếng với những lăng mộ tiền tỉ ở các địa phương như Phong Hải (huyện Phong Điền), An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang), hạ tầng dẫu được người dân tự bỏ tiền đầu tư nhưng cảnh tượng lộn xộn là điều dễ nhận thấy.

“Lăng mộ thì mạnh ai làm nấy, nhà nào có điều kiện thì họ tự đầu tư xây dựng rình rang, thậm chí thuê người thiết kế bản vẽ; xây lăng mộ theo ý đồ riêng, chọn hướng tùy vào ý thích nên dù lăng có đẹp nhưng không ngay hàng thẳng lối, mất mỹ quan. Có nhiều lăng mộ choán hết cả lối đi của người khác”, ông Trần Thiện (xã Vinh An) nói.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, một trong nhưng tiêu chí để hoàn thành mục tiêu này là nghĩa trang nhân dân phải được xây dựng theo quy hoạch; được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quy chế về quản lý nghĩa trang. Khu nghĩa trang phải có khu hung táng, cát táng... Song đối chiếu với thực tế, không nhiều địa phương làm tốt tiêu chí này. Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, tiêu chí này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng nghĩa trang không rõ ràng, đúng quy chuẩn xây dựng.

Hạ tầng nghĩa trang hiện nay không chỉ vùng nông thôn mới yếu và thiếu, ngay ở khu vực ngoại ô lẫn đô thị thì việc quản lý vấn đề này vẫn còn gặp khó. Dễ nhận thấy tại một số nghĩa trang tại TP. Huế, hạ tầng không có sự đồng bộ. Điều này đã tồn tại rất nhiều năm.

Đồng bộ hạ tầng nhìn từ Hương An Viên

Hiện, quy định của Nhà nước về xây dựng mồ mã chưa hoàn thiện và còn nhiều kẽ hở. Tùy từng địa phương mà có những quy định riêng với việc quy hoạch, xây dựng trong phạm vi của tỉnh.

Tại Thừa Thiên Huế, việc quy hoạch tổng thể hệ thống nghĩa trang, nghĩa địa hướng đến mục tiêu, song song với xây dựng mới các nghĩa trang tập trung phục vụ nhu cầu mai táng, cải táng của Nhân dân ở các đô thị lớn (TP. Huế và Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô) các điểm dân cư tập trung ở các vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, tiến hành xây dựng, cải tạo, sắp xếp và chỉnh trang các vùng đất Nhân dân đã sử dụng vào mai táng, xây lăng mộ từng bước chuyển thành nghĩa trang chính thức. Theo lộ trình thực hiện quy hoạch, số lượng và quy mô nghĩa trang do Nhà nước xây dựng và quản lý tăng lên, số lượng và quy mô diện tích đất do Nhân dân mai táng và xây dựng lăng mộ không theo quy hoạch ngày một giảm dần, tiến tới chấm dứt việc mai táng không theo quy hoạch.

Theo đó, đối với nghĩa địa, việc quy tập, di dời các khu vực có mồ mả trong nội thị và các khu nghĩa địa nhỏ lẻ xen lẫn trong đất canh tác, khu dân cư vào các nghĩa địa đã được khoanh vùng và nghĩa trang theo quy hoạch. Nghĩa trang quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ để phục vụ công tác mai táng, đảm bảo vệ sinh môi trường, từng bước chuyển dần từ hình thức mai táng cũ sang các hình thức tiên tiến hơn.

Với các mục tiêu cụ thể trong quyết định chủ trương đầu tư dự án (DA) Hương An Viên như phát huy lợi thế khu vực, xây dựng công viên nghĩa trang và dịch vụ hiếu nghĩa văn minh hiện đại, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, tôn tạo thêm cảnh đẹp khu vực. Xây dựng khu nghĩa trang mới theo hướng công viên sinh thái. Tăng cường quỹ đất phục vụ nhu cầu an táng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh; giảm áp lực mộ phần cho các nghĩa trang của tỉnh hiện đang quá tải và làm cơ sở pháp lý cho việc lập DA đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.

DA công viên nghĩa trang Hương An Viên nằm tại phường Hương An, TX. Hương Trà đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của tỉnh trong thực tiễn hiện nay. Nếu như thông thường, một nghĩa trang nhà nước quản lý hoặc tự phát sẽ ít được đầu tư hệ thống cây xanh cảnh quan, không được quy hoạch đồng bộ, người nhà tự chăm sóc… thì ở Hương An Viên cùng việc quy hoạch tổng thể bài bản, thẩm mỹ và không gian sinh thái lý tưởng còn có sự quản lý chuyên nghiệp cùng nhiều dịch vụ mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Tại đây, toàn bộ quy trình mua bán, quản lý xây dựng lăng mộ được tích hợp vào hệ thống chăm sóc khách hàng (CRM) đảm bảo thông tin chuẩn xác và kịp thời. Cụ thể, khi đến DA, khách hàng chỉ cần cung cấp các thông tin như số điện thoại/tên/kí hiệu lô đất, CRM sẽ tìm ra vị trí lô đó một cách nhanh chóng; đồng thời cung cấp toàn bộ thông tin liên quan như lô đất đó có bao nhiêu phần mộ đã được chôn cất, bao nhiêu phần mộ còn trống…

L.T