Sáng nay, tin nhắn hiện lên những dòng chữ một bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Muốn gửi ra em một ít nắng vàng/Thương cái rét của thợ cày, thợ cấy/Nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy/Có tình thương tha thiết của trong này”. Tin nhắn của chị, một người con gái làng Chuồn rời xa quê đã mấy mươi năm nhưng chưa bao giờ chị thôi thương nhớ quê nhà.

Năm nay, mùa đông Huế da diết hơn nhiều năm trước cộng lại, nghe trong mưa gió của mùa đông này những khắc nghiệt của thời tiết khi cái rét căm căm tràn về thành phố, mưa vẫn dai dẳng và những ngày cuối năm cận kề càng làm cho nhịp sống dẫu muốn đẩy nhanh lên cũng vì những cơn mưa mà như chậm bước lại.

Điện thoại về làng cho người bà con đang làm ruộng, khác với những lo lắng của mình, ông chú nói giọng tỉnh bơ: “Mưa thì mưa, lạnh thì lạnh mà việc đồng áng thì cứ đến mùa là lo làm thôi, có chi mô”. Mà đúng thiệt, Huế có mùa đông nào mà ít lạnh đâu, thi thoảng cũng có mùa đông mà trời nắng nóng già nửa mùa như là mùa đông năm ngoái nhưng chuyện đó chỉ là rất hiếm, còn mùa đông của Huế là mùa của mưa gió sụt sùi và mưa cho đến tết. Cho nên, ông chú vui vẻ nói cơ man nào là chuyện chuẩn bị cho vụ mùa tết, từ vụ trồng hoa cho đến vụ xuống đồng vụ đông xuân, từ vụ trồng rau “lấy ngắn nuôi dài” cho đến kế hoạch chăn nuôi, gầy lại bầy gà, vịt để có ra Giêng, Hai mà bán...

Ôi, những câu chuyện nhà nông, nghe chú nói tôi như thấy mưa gió cũng dừng lại đằng sau lưng chú. Nhưng tôi biết chú còn đó bao nhiêu là khó khăn của mình, như là vụ lúa giống bị nẩy mầm, thối do đợt lụt vừa rồi, phải mua lại giống mới, như là phân tro chuẩn bị cho mùa sau cũng bị nước cuốn trôi hết, như là tiền thuốc thang đau ốm sau những ngày ngâm lụt, như là cái chuồng heo bị sập... tất cả đều cần tiền mà giọng chú vẫn bình thản: “Thôi con, cũng may là còn sức khỏe để làm lại mùa tới “còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”. Con đừng lo, chú đã qua bao nhiêu năm khó khăn như thế này rồi, nên bây giờ cũng cố gắng thôi”.  

Mùa đông xứ Huế lạnh mà đôi khi thấy ấm, đó là khi ta ngồi nghe những câu chuyện từ bà con, từ bạn bè. Người bạn sáng ni nói: “Đi chợ bây chừ mua rau nấu tô canh cũng phải mười ngàn, nếu là mùa hè thì mớ rau đó cũng chỉ năm ngàn nhưng mình vui vẻ mua, chẳng so tính gì vì mình biết người nông dân trồng cho được cây rau trong mùa đông này cực lắm. Nhìn bàn tay nứt nẻ vì lạnh, nhìn bàn chân mà dấu bùn đất còn in thì giá có cao hơn nữa cũng chẳng sao cả, như là một cách để chúng ta cùng nhau đi qua mùa đông xứ Huế”.

Người chị từ nắng ấm phương Nam cũng điện về báo là chị vừa gửi ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa sau lụt cho Huế, gửi áo ấm chia sẻ với trẻ em vùng A Lưới, Nam Đông, tôi bảo với chị: “Chị ơi, như rứa là chị gửi nắng ấm về Huế rồi đó, có tình thương của chị và bà con đồng hương Huế trong mỗi món quà, em kính chúc chị sức khỏe và bình an”. Chị trả lời tôi bằng một lời tâm sự: “Em biết không, ngày trước khi anh bắt đầu tìm hiểu chị, vì anh nói câu này mà chị yêu anh nè. “Anh thương em và anh cũng thương Huế mùa đông”. Nếu mà anh chê mùa đông Huế này nọ có lẽ chị không nhận lời anh mô, vùng đất nào cũng có mưa, có nắng, chê mưa, nắng khác chi chê nguồn cội của người mình yêu.

Có rất nhiều cách để con người đi qua khó khăn. Đôi khi, khó khăn không còn là chuyện cần bàn mà là chúng ta sẽ đi qua khó khăn cùng với ai và như thế nào. Cách đây gần nửa thế kỷ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã “gửi nắng” cho em, cho bà con cả vùng quê miền Trung mưa gió. Và có lẽ chưa bao giờ những tia nắng yêu thương, quan tâm, thấu hiểu ấy thôi ngừng được chuyển đến xứ Huế mưa, chuyển đến miền Trung mưa. Cho nên, mưa gió ngoài kia cũng chỉ là chuyện đứng đằng sau cánh cửa tâm hồn.

XUÂN AN