Nhiều dự án được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công (Ảnh minh họa). Ảnh: NGUYỄN PHONG

Khi xét về mặt thúc đẩy tăng trưởng, mọi nguồn vốn đều có vai trò quan trọng. Nhưng khi xét về hiệu quả đầu tư cũng như khả năng xảy ra thất thoát, người ta quan tâm nhiều đến nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Vì bản chất của nguồn vốn Nhà nước là nguồn vốn công, hiểu một cách khác là nguồn vốn của toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý, phân bổ sử dụng và đầu tư cho mục đích công. Nguồn vốn này một khi sử dụng được giao về rất nhiều chủ thể khác nhau nhưng tựu trung có hai chủ thể chính là ngành và cấp chính quyền. Cứ thế từ trên xuống dưới quản lý và sử dụng. Chính vì sự đa dạng và kể cả độ “phức tạp” của chủ thể, cộng với sự quản lý chưa chặt chẽ nên mức độ thất thoát vốn ở khu vực này là không hề nhỏ. Một vấn đề khác, tuy chúng ta không thiếu luật và các quy định về quản lý vốn công và cả quy định giám sát, song do tính chất phân bổ cho nên nó dễ bị tác động bởi sự chủ quan của cơ quan (hoặc cá nhân) có quyền phân bổ. Nhiều đại án bị điều tra và đưa ra xét xử trong thời gian gần đây cho thấy độ phức tạp và tính chất “dây mơ rễ má” của vấn đề đầu tư công.

Theo một con số do hai tác giả Nguyễn Quang Thái và Bùi Trinh nêu ra trên Thời báo kinh tế Sài Gòn số ra ngày 7/1/2021, khoảng cách của tích lũy tài sản và vốn đầu tư của Việt Nam ngày càng tăng lên. Năm 2007 bỏ ra 100 đồng đầu tư thì có 93 đồng tạo ra tích lũy (tài sản cố định và thay đổi tồn kho) thì đến năm 2019, bỏ ra 100 đồng chỉ 79 đồng tạo ra tích lũy. Hai tác giả cho rằng khoản tiền bỏ ra không tạo tích lũy đã “chạy đi đâu đó”?

Nhiều dự án được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công (Ảnh minh họa). Ảnh: TUẤN KIỆT

Phải chăng 21 đồng, hay nói cách khác là 21% vốn đầu tư đã chạy đến chỗ thất thoát? Có thể là không hoàn toàn nhưng không loại trừ tình trạng thất thoát nhiều nên tích lũy tài sản được ít hơn kỳ vọng. Và một phần khác, tình trạng thất thoát dính dáng rất nhiều đến tham nhũng. Mà tham nhũng thì thường những người có chức có quyền trong bộ máy Nhà nước. Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng vào cuối tháng 11 năm ngoái, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay: “Trong nhiệm kỳ, cấp ủy, tổ chức Đảng và UBKT các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức Đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức Đảng và hơn 7 vạn đảng viên…”. Và có đến 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Một nhiệm kỳ, hơn 7 vạn đảng viên bị xử lý kỷ luật là nhiều hay ít, có lẽ là rất nhiều!

Để tăng tích lũy tài sản không có cách nào khác là quản lý hiệu quả vốn đầu tư, mà đặc biệt là vốn đầu tư công. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát và phòng chống tham nhũng. Nơi nào quản lý, đầu tư càng nhiều tiền thì càng phải lưu tâm.

NGUYỄN THANH LÊ