Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh. Ảnh: MINH NGUYÊN

Ông Lê Minh Nhân cho biết, dịch COVID - 19 và mưa bão, lũ lụt diễn ra liên tục trong tháng 10, 11 đã tác động lớn đến tình hình việc làm và thu nhập của đoàn viên, người lao động. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 7.500 lao động bị thôi việc, mất việc, chiếm 12% lực lượng lao động trên địa bàn; nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc ngưng việc tạm thời…

Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào phục hồi sản xuất, nhưng vẫn còn khó khăn do tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất và đời sống CNLĐ.

Số lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhiều như thế, LĐLĐ tỉnh đã làm gì để chung tay hỗ trợ, chăm lo đời sống cho CNLĐ, thưa ông?

Ban Thường vụ LĐLĐ đã chỉ đạo các cấp công đoàn (CĐ) trực thuộc nắm tình hình đời sống, việc làm của đoàn viên, CNLĐ trong các doanh nghiệp, hợp tác xã. LĐLĐ tỉnh kịp thời đề xuất với Tổng LĐLĐ Việt Nam không thu phí CĐ đối với đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở cho đến hết thời điểm 31/12/2020. Vận động cán bộ chuyên trách CĐ tỉnh ủng hộ mỗi tháng một ngày lương trong thời gian 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8/2020).

Liên đoàn Lao động tỉnh trao quà cho CNLĐ khó khăn dịp “Tết Sum vầy” năm 2020 tại huyện Phú Lộc. Ảnh: MINH NGUYÊN

LĐLĐ tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp bị mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền gần 2,4 tỷ đồng, trích từ ngân sách CĐ và huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, sự đóng góp của đoàn viên. Chương trình “Cùng em đến trường” do LĐLĐ tỉnh triển khai đã hỗ trợ, giúp đỡ con em, đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh có điều kiện đến trường với hơn 20 triệu đồng, 28 ngàn cuốn vở mới; gần 4.400 bộ sách giáo khoa; 628 bộ quần áo và gần 8.000 đồ dùng, dụng cụ học tập.

Từ các nguồn hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng vàng - Báo Lao động, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các cấp CĐ đã tiếp nhận tiền mặt và hàng hóa ước tính hơn 10 tỷ đồng và hỗ trợ cho 3.500 đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn sau các đợt mưa bão.

Một số đơn vị như LĐLĐ thành phố Huế đã kết nối với doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên CĐ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn triển khai các chương trình: “Cùng em đến trường”, “Trung thu yêu thương”, tặng sách vở, đồ dùng học tập hỗ trợ các cháu là con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn…

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến gần, để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong dịp này, các cấp CĐ tỉnh tập trung vào những hoạt động gì?

Trước nhiều khó khăn mà CNVCLĐ gặp phải, các cấp CĐ tỉnh đặt ra mục tiêu chăm lo về vật chất, tinh thần để “Tất cả đoàn viên CĐ và người lao động đều có Tết” với “hạt nhân” là Chương trình “Tết Sum vầy” .

Ông có thể nói rõ hơn? 

Trên tinh thần đưa tết về với CNLĐ, LĐLĐ tỉnh tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy - Kết nối yêu thương” tại các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và tổ chức điểm cho CNLĐ Khu kinh tế - công nghiệp tại Khu Công nghiệp Phú Bài. Chương trình "Tết Sum vầy" được tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả với việc tặng quà tết cho đoàn viên CĐ và CNLĐ. Nguồn kinh phí này LĐLĐ tỉnh trích từ ngân sách CĐ để chăm lo cho đoàn viên và từ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp CĐ tham gia có hiệu quả với lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thưởng tết cho CNLĐ, tặng quà tết cho CNLĐ, để “ Tết Sum vầy” được tổ chức ngay từ mỗi CĐCS ấm áp nghĩa tình…

Trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, LĐLĐ tỉnh làm như thế nào để phát huy nguồn lực của toàn xã hội hỗ trợ, chăm lo thiết thực cho đoàn viên, người lao động?

Năm 2020, các cấp CĐ trong tỉnh nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Chúng tôi đã đưa những món quà nghĩa tình với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng đến đúng đối tượng cần hỗ trợ. Từ đó, đã tạo niềm tin cho xã hội trong việc hỗ trợ kinh phí, vật dụng… để chăm lo cho CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bão lụt.

Thời gian tới, các cấp CĐ trong tỉnh tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đồng hành cùng tổ chức CĐ để chăm lo cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Khi nền kinh tế phục hồi, các cấp CĐ sẽ tiếp tục vận động người sử dụng lao động tự chăm lo cho nguồn nhân lực ở doanh nghiệp của mình.

Cuối năm là thời điểm thường xảy ra tình trạng tranh chấp giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, nhất là việc tăng ca, làm thêm giờ, chế độ thưởng tết. Các cấp CĐ tỉnh cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động?

Phòng ngừa tranh chấp lao động là việc làm mà cả người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động và tổ chức CĐ quan tâm. Vì vậy, tổ chức CĐ phát huy vai trò, chức năng của mình để góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong từng doanh nghiệp.

Điều quan trọng là phòng ngừa tranh chấp lao động, đừng để tranh chấp xảy ra. Trước hết CĐ cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, ý thức về kỷ luật, tác phong lao động cho CNLĐ. Đây là biện pháp tổ chức CĐ bảo vệ CNLĐ từ xa. Đồng thời, chú trọng nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý cho người lao động trong trường hợp họ bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Để làm tốt vai trò của mình, cán bộ CĐ thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt thông tin về tình hình việc làm, đời sống, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động; điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp CĐ chú trọng hình thức dân chủ đối thoại tại nơi làm việc để CNLĐ được phát huy dân chủ ngay tại nơi mình làm việc, từ đó sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề về tiền lương, tiền thưởng tết… và các chế độ mà pháp luật quy định.

Với cương vị là tân Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, ông có những trăn trở, dự định gì để hoạt động của các cấp CĐ tỉnh ngày càng hiệu quả trong tình hình mới?

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định CPTPP, CĐ Việt Nam phải đối diện với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều hơn trong hoạt động để nắm bắt cơ hội. Do vậy, việc tập hợp CNLĐ vào tổ chức CĐ là việc làm cần thiết, bảo đảm cho CĐ Việt Nam lớn mạnh.

Muốn vậy, tổ chức CĐ tỉnh cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cụ thể là chấm dứt hành chính hóa trong hoạt động CĐ, hoạt động theo hướng “CĐ cấp trên phục vụ CĐ cấp dưới”, “CĐ phục vụ đoàn viên”, duy trì và phát huy việc chăm lo đời sống CNLĐ từ những việc cụ thể, thiết thực như: thương lượng với các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn ca; đổi mới dây chuyền công nghệ; cải tạo môi trường làm việc; trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân; đồng thời, tạo sự khác biệt giữa đoàn viên CĐ với CNLĐ chưa gia nhập CĐ.

Xin cảm ơn ông!

MINH NGUYÊN