Thống kê từ Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn có khoảng 150-200 phương tiện đang hoạt động “xe ké”.
Lực lượng chức năng kiểm tra vi phạm của xe trá hình, “xe ké” đang hoạt động trên địa bàn tỉnh
Cạnh tranh không lành mạnh
Thực trạng xe trá hình, “xe ké” không phải mới nhưng gần đây diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng số lượng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN làm ăn nghiêm túc; trong đó có ảnh hưởng lớn đến tuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng và ngược lại.
Anh Hồ Tăng Cường, Đội trưởng xe buýt Huế-Đà Nẵng chia sẻ, không phải bây giờ mà lâu nay tình trạng “xe ké”, xe trá hình ở Thừa Thiên Huế phát triển mạnh. Họ không chỉ dùng xe 7 chỗ mà cả xe 4-5 chỗ của cá nhân, gia đình để hoạt động chui không vào bến bãi, không đóng thuế. Do vậy thị phần khách đến bến vắng hẳn. Hiện nay nhiều xe buýt khi xuất bến chỉ 1-2 khách.
Nắm bắt được nhu cầu, hoạt động xe trá hình, “xe ké” quảng cáo trên mạng xã hội để bắt khách, gom khách. Đa phần người dân cho rằng đi “xe ké” tiện vì đón trả tận nhà, xe di chuyển nhanh, giá cước mỗi lượt từ Huế-Đà Nẵng 120 nghìn đồng. Trong khi đó đi xe buýt Huế -Đà Nẵng đón trả khách tại bến, giá cước 70 nghìn đồng. So sánh thực tế, đây là cuộc cạnh tranh không lành mạnh, bởi xe tuyến cố định chịu nhiều ràng buộc về pháp lý, chi trả chi phí bến bãi, nộp thuế kinh doanh và các thứ thuế liên quan khác trong khi xe trá hình, “xe ké” không đăng ký kinh doanh, tự phát nên “trắng” mọi ràng buộc về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách.
Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh phối hợp ban ngành chức năng tuần tra kiểm soát, xử lý xe trá hình, “xe ké”. Tháng 6 cuối năm 2020, đoàn chức năng liên ngành ra quân tuần tra kiểm soát xử lý 74 lượt phương tiện. Trong đó, thanh tra giao thông lập 44 biên bản, cảnh sát giao thông lập 32 biên bản với số tiền xử phạt gần 196 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 57 trường hợp. Mới đây, theo Kế hoạch 161-KH/BATGT ngày 21/12/2020, đảm bảo ATGT dịp Tết Tân Sửu, đoàn chức năng liên ngành ra quân từ ngày 25 đến 31/12/2020 đã xử lý 18 trường hợp vi phạm, số tiền xử phạt hơn 90 triệu đồng.
Theo Chánh Thanh tra Sở GTVT-Võ Hoài Nam, hiện nay công tác xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, hoạt động đoàn liên ngành không thường xuyên. Các tài xế dùng mọi thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. Mấu chốt ở đây là các văn bản quy định loại hình vận tải theo hợp đồng còn có những điều chưa chặt chẽ, chưa theo kịp thực tiễn để tài xế lợi dụng lách luật.
“Xe ké” gom khách trên QL1A qua địa bàn ven đô
Chờ sự quyết liệt từ lực lượng chức năng
Tại hội nghị bàn giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải mới đây, lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, lực lượng chức năng gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra xử lý xe trá hình, xe “ké”.
Vị lãnh đạo này cho rằng, chỉ một lý do họ cho rằng khách trên xe là người thân đi chơi, ăn tiệc cưới... và hành khách xác nhận như thế là khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, nói như thế không phải “bó tay” mà mất nhiều thời gian để truy suất sơ hở của chủ phương tiện này.
Để xử lý xe trá hình, xe ké, theo vị lãnh đạo này, cần xây dựng phần mềm quản lý trực tuyến. Phần mềm này sẽ quản lý tất cả số lượt xe, đón nhận khách đi đâu, về đâu; xe của đơn vị doanh nghiệp nào... Từ những thông số này sẽ biết xe đi tuyến nào; xuất phát từ đâu; mỗi ngày bao nhiêu chuyến. Nếu là xe hợp đồng thì không được bắt khách, gom khách dọc đường; hay chỉ trong một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp điểm cuối là vi phạm Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/4/2020. Vi phạm này chỉ cần gửi đến ngành chức năng xử lý là triệt để.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX Thừa Thiên Huế cho rằng, để dẹp bỏ tình trạng xe trá hình, “xe ké” hiện nay không khó vì đã có “công cụ” từ các nghị định, thông tư của Chính phủ, bộ ngành liên quan. Đơn cử, như xe kinh doanh vận tải hiện nay theo Thông tư 58/2020/TT-BCA phải đổi sang biển số vàng cũng sàng lọc phương tiện xe trá hình, xe ké. Quan trọng nhất là sự quyết tâm vào cuộc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh nêu quan điểm, không riêng ban, ngành chức năng mà các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân nhận thức đúng xe trá hình, “xe ké”. Loại hình này không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh và chưa có sự ràng buộc quản lý nhà nước, nếu xảy ra TNGT rất thiệt thòi cho hành khách.
Để xóa bỏ tình trạng xe trá hình, xe ké, cần phân định rõ trách nhiệm của các ban, ngành đơn vị liên quan; đồng thời phải chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách ở các bến xe, các tuyến cố định.
Rốt ráo hơn, cần áp dụng công nghệ để quản lý; trong đó doanh nghiệp đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát hành trình, danh sách hành khách. Chỉ cần kết nối dữ liệu trực tuyến giữa các ngành sẽ biết được các xe này khởi hành giờ nào, có bao nhiêu khách, đi tuyến nào...; từ đó có cơ sở để giám sát xử lý.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, mục tiêu của Thừa Thiên Huế từ năm 2021 là xây dựng nếp sống văn hóa giao thông. Thực trạng xe trá hình, hợp đồng, xe ké ở Thừa Thiên Huế không chạy theo việc xử lý sự vụ dọc đường. Các ban ngành phải có phương án tối ưu, phối hợp đồng bộ quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin; rà soát nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ đưa đón khách; kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đúng luật trên các tuyến; tổ chức phối hợp với các tỉnh bạn rà soát, quản lý khai thác hiệu quả các tuyến đã cấp phép...
Bài, ảnh: Minh Văn