Nông sản Quảng Điền sản xuất theo chuỗi giá trị

Sản phẩm có chỗ đứng

HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) tiên phong xây dựng mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) theo CGT, mạnh dạn mở rộng diện tích lên 65ha rau an toàn, theo hướng VietGAP phục vụ chế biến trà rau má, rau má sấy khô. Bình quân mỗi ha cho thu nhập trên dưới 300 triệu đồng/năm. Mới đây, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm công nghệ chế biến bột rau má matcha. Đến nay, các sản phẩm có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng trên cả nước.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí cho rằng, trước yêu cầu mới, thị trường ngày càng khắt khe, không có con đường nào khác phải thay đổi tư duy trong hoạt động SXKD, trong đó mô hình theo CGT là sự lựa chọn phù hợp. HTX liên kết với hộ thành viên, nông dân sản xuất rau an toàn, bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau má. Ngoài bán ra thị trường khoảng 20 tấn trà rau má các loại, HTX còn sơ chế, bán ra thị trường trên dưới 2.000 tấn rau má tươi/năm.

Sau mô hình hoạt động theo CGT của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, vài năm trở lại đây, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh chuyển sang mô hình HTX theo CGT. Hầu hết các HTX sau khi chuyển đổi mô hình theo CGT đều hoạt động hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu SXKD.

Các HTX liên kết với hộ thành viên, nông dân tổ chức xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định. Trong đó phải kể đến HTX Thủy Thanh 2, HTX Phú Hồ, HTX Mây tre đan Bao La, HTX Thủy Dương…

Hỗ trợ phát triển theo chuỗi

Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, HTX theo CGT phù hợp với xu thế hoạt động SXKD của mô hình HTX hiện nay. HTX không còn hoạt động bó hẹp trong các lĩnh vực hỗ trợ giống, thủy lợi, làm đất, thu hoạch… mà phải nâng vị thế, hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa, gắn với tiêu thụ, chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, có chỗ đứng trên thị thường, như gạo ngon Thủy Thanh, gạo thơm Phú Hồ, trà rau má Quảng Thọ, trà mướp đắng Thủy Dương…

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động hiệu quả của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đang triển khai các biện pháp hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động SXKD theo CGT. Mới đây, Trung tâm KHCN&MT thuộc Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo CGT cho HTX Nông nghiệp Hồng Thủy (A Lưới).

Theo đó, HTX được hỗ trợ thành lập với 8 hộ thành viên chính thức và 120 hộ thành viên liên kết, vốn điều lệ 100 triệu đồng. HTX quản lý, tổ chức sản xuất 130 ha lúa Ra Dư - loại đặc sản của người dân tộc Pa Kô. HTX giữ vai trò cung cấp các dịch vụ đầu vào cho thành viên như giống, phân bón, làm đất, hướng dẫn tổ chức sản xuất, thu mua, bao tiêu lúa cho thành viên.

Vụ lúa đông xuân 2020, HTX thu mua 20 tấn lúa của thành viên, chế biến gạo chất lượng cao bán ra thị trường với mức giá 55 ngàn đồng/kg. Sản phẩm gạo Ra Dư của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.... Do mới thành lập nên cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất chế biến chưa đầy đủ, năng lực quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, tuy nhiên, đây là mô hình HTX sản xuất của người dân tộc thiểu số, giúp cho bà con sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, có quy trình sản xuất theo quy mô hàng hóa, thích ứng với thị trường, giảm tình trạng sản xuất “du canh” kém hiệu quả, tổn hại môi trường.

Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trung tâm KHCN&MT hỗ trợ cho HTX này công nghệ máy sấy đa năng 2 chế độ nóng lạnh phục vụ chế biến bột rau má matcha, mã số mã vạch doanh nghiệp, xây dựng trang thông tin điện tử nhằm giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm…

Ông Trần Lưu Quốc Doãn nhấn mạnh, hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình sản xuất liên kết theo CGT có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp HTX đảm bảo các điều kiện liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời định hướng cho HTX xây dựng kế hoạch phát triển SXKD theo CGT, theo hướng liên kết đầu vào, đầu ra, đẩy mạnh phát triển thương hiệu trên thị trường, tăng hiệu quả SXKD. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống cho hộ thành viên, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…

Liên minh HTX tỉnh đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Chính phủ, tỉnh. Một số chính sách đáng chú ý như hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX kiểu mới, theo CGT, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; huy động nguồn lực hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho phát triển HTX nông, lâm, ngư nghiệp; đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp kiểu mới... Liên minh HTX  tổ chức hàng chục lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hàng trăm lượt cán bộ, thành viên HTX, DN vừa và nhỏ…

Bài, ảnh: Hoàng Triều