Bệnh nhân nam phi công người Anh nhiễm covid-19 - nhận giấy chứng nhận xuất viện sau khi được điều trị thành công tại Việt Nam.  Ảnh: suckhoedoisong.vn

1. Năm 2020, dịch bệnh, hạn hán đến những trận bão lũ liên tiếp khốc liệt ở miền Trung đã đe dọa và kéo lui sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, chúng ta đã vượt qua một cách ngoạn mục. 

Nhớ lại những ngày cách đây gần 1 năm, khi mới có thông tin về dịch xảy ra ở Vũ Hán (Trung Quốc), Đảng đã kịp thời đưa ra nghị quyết chuyên đề, Chính phủ họp khẩn đề ra hành động. Phương châm đặt ra là “Chống dịch như chống giặc”, “Chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ an toàn người dân”, “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo liên tục, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với tinh thần quyết liệt nhất. Điều đó cho thấy, Đảng, Chính phủ rất nhạy bén, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, đề ra chủ trương, giải pháp một cách kịp thời, đúng hướng, được toàn dân đồng thuận, hưởng ứng.

Ca bệnh đầu tiên là người Trung Quốc đến từ Vũ Hán đã cho chúng ta nhận định về khả năng lây lan, sự nguy hiểm của một đại dịch mới. Từ đó, Chính  phủ  đề ra chủ trương ứng phó bằng các biện pháp cách ly, điều trị, dập dịch, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng.

Chính phủ đã nhanh chóng chi một lúc 62 nghìn tỷ đồng cho gói an sinh xã hội, hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm, cách ly, chữa trị miễn phí cho hàng trăm nghìn người, kể cả người đưa từ nước ngoài trở về; chi khoản kinh phí lớn chưa có tiền lệ cho những vùng cách ly; huy động hàng trăm nghìn bộ đội, công an, y tế tham gia tại các khu cách ly và chữa trị cho tất cả mọi người dân trong nước và người nước ngoài. Hàng không đã điều hàng trăm lượt máy bay “di tản” hơn 73 nghìn người Việt ở 59 nước bị kẹt, trong đó có vùng tâm dịch Vũ Hán. Cùng với đó là phong tỏa biên giới trên bộ, trên biển và hàng không nghiêm ngặt.

Năm 2020, toàn thế giới vật lộn,  chao đảo vì đại dịch COVID- 19 với  hơn 90 triệu người bị lây nhiễm, gần 2 triệu người chết, kinh tế sụt giảm trầm trọng. Đại khủng hoảng kinh tế và y tế đã kéo lùi phát triển của thế giới hàng thập kỷ. Nhìn vào kinh tế Việt Nam với con số tăng trưởng 2,91%, dù không bằng một nửa của năm 2019, nhưng đó là con số vàng, là một trong 10 nước có mức tăng cao nhất thế giới và cao nhất ASEAN.

Đến nay, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có dấu hiệu phức tạp mới thì Việt Nam vẫn là một đất nước an toàn, người dân được sinh hoạt, giao lưu, làm ăn bình thường. Khi nhiều quốc gia vắng lặng vì phong tỏa, tình trạng khẩn cấp thì người dân của chúng ta vẫn được tập trung nơi công cộng để vui chơi Noel và chào đón năm mới 2021. Dù GDP có sụt giảm do đại dịch, nhưng nhiều ngành kinh tế mũi nhọn vẫn tiếp tục tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, xuất khẩu thặng dư cao...

2. Hơn 60 nghìn người nước ngoài làm việc hoặc bị kẹt lại ở Việt Nam  đều chung cảm nghĩ chân thành về một đất nước an toàn, thân thiện và nguyện vọng  muốn ở lại làm ăn lâu dài. Thành công từ khống chế đại dịch  được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là “điểm sáng” về an ninh y tế, “hình mẫu” hiệu quả ứng phó với đại dịch. Đại sứ EU tại Việt Nam đã phát biểu: “Ở lại Việt Nam thời dịch bệnh là may mắn xa xỉ”. Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đã ca ngợi: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng”. Đó không phải là những câu nói ngoại giao mà là sự thật đã được chứng minh trên thực tế.

“Năm 2020 được xem là thành công hơn 2019 và thành công nhất trong 5 năm qua”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định như tại Hội nghị của Chính phủ ngày 28/12/2020. Một năm vừa khống chế  đại dịch vừa tăng trưởng kinh tế là thành công kép, thể hiện bản lĩnh của Đảng trong những thời điểm khó khăn của đất nước.

Kết thúc năm 2020 dù còn một vài chỉ tiêu chưa đạt do nguyên nhân khách quan, nhưng kết quả đạt được là vô cùng quý giá. Tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” được Hồ Chủ tịch chỉ ra từ 1946 trong thời điểm khó khăn đã được Đảng ta tiếp tục phát huy và giành thắng lợi.

NGUYỄN AN HÒA