Nguồn nước sông Dương Tử, đoạn chảy qua tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh minh họa: VietnamPlus
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã phân tích dữ liệu từ 526 mẫu nước uống để theo dõi mức độ per- và polyfluoroalkyls (PFAS) - hóa chất nhân tạo được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ dệt vải đến thuốc trừ sâu - tại 66 thành phố với tổng dân số 450 triệu người. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ PFAS có trong mẫu nước ở hơn 20% các thành phố được nghiên cứu (16/66 thành phố) vượt quá ngưỡng an toàn.
Trung Quốc hiện là một trong những nhà sản xuất và tiêu thụ PFAS lớn nhất thế giới nhưng nước này chưa có tiêu chuẩn an toàn quốc gia về kiểm soát sự hiện diện của những hóa chất này trong nước uống. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã phải sử dụng các quy chuẩn của bang Vermont (Mỹ) để tham chiếu.
Các thành phố có mức độ cao bao gồm Vô Tích, Hàng Châu và Tô Châu ở miền đông và Phật Sơn ở miền nam. Các thành phố lớn Bắc Kinh và Thượng Hải đều nằm dưới mức giới hạn. Nhìn chung, phía đông, nam và tây nam Trung Quốc có mức PFAS cao hơn các khu vực khác. Mức độ tập trung bình quân của PFAS ở miền đông Trung Quốc cao gấp 2,6 lần so với miền bắc. Nguyên nhân được cho là do hoạt động công nghiệp tập trung và mật độ dân số cao.
Tiến sĩ Roland Weber, đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà tư vấn người Đức về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy nói rằng, một số PFAS nguy hiểm hơn những chất khác. “Có 4 PFAS thực sự là một vấn đề lớn vì chúng độc hại và tích lũy sinh học, bao gồm PFOA và PFOS.”
Nghiên cứu cũng cho thấy mức độ cực cao của PFOA và PFOS tại ba thành phố ở lưu vực sông Dương Tử - Tự Cống (Tứ Xuyên), Cửu Giang (Giang Tây) và Liên Vân Cảng (Giang Tô). Khu vực này có rất nhiều nhà máy hóa chất fluor và các ngành sử dụng nhiều PFAS, chẳng hạn như sản xuất da giày, dệt và sản xuất giấy.
“PFAS tan trong nước. Nếu bạn có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nó sẽ đi vào thực vật, thực phẩm và gia súc mà bạn nuôi,” TS. Weber nói. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, hai hóa chất độc hại - PFOA và PFOS - không phân hủy trong cơ thể người hoặc môi trường và có thể tích tụ theo thời gian. Chúng được liệt kê trong phụ lục của Công ước Stockholm là chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, hay còn gọi là “hóa chất vĩnh viễn”, vì chúng được coi là có hại cho sức khỏe và môi trường.
Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy có mối liên hệ giữa phơi nhiễm PFAS và các vấn đề sức khỏe như tăng lượng cholesterol và men gan, các vấn đề về khả năng sinh sản, ung thư thận và gan, suy giảm miễn dịch và rối loạn tuyến giáp.
Anh Tuấn (Lược dịch từ SCMP)