Anh Keophouseng Leth (áo đen) cùng bạn lắng nghe thầy Hồ Văn Thành trao đổi, dặn dò

Trong ngày hội này, những thầy giáo, cô giáo của Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế lần lượt bốc thăm để nhận những “người con” là các bạn LHS Lào. Do các bạn LHS Lào sẽ học lớp dự bị tiếng Việt trong một năm trước khi bắt đầu đến các trường đại học để theo học ngành của mình, nên trong vòng một năm đó, các bạn LHS sẽ được hướng dẫn, được quan tâm và chăm sóc bởi những “người cha”, “người mẹ” của mình.

Trong năm 2021 này, “Ngày hội bảo trợ” được dành cho 46 LHS Lào và được nhận bảo trợ của 23 giảng viên từ Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế. Các bạn LHS tham dự “Ngày hội bảo trợ” cũng rất vui vẻ, háo hức để xem mình sẽ được ai nhận làm con, cũng như từ đó có thêm những hiểu biết hơn về ngôn ngữ, cuộc sống và văn hóa tại Huế.

Theo thầy giáo Hồ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, hoạt động “Ngày hội bảo trợ” giúp các bạn LHS Lào làm với cuộc sống khi mới sang Việt Nam, cũng như góp phần nâng cao năng lực ngôn ngữ, giúp các bạn nhanh chóng nâng cao trình độ về tiếng Việt. “Đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa sâu sắc của nhà trường, vừa giúp các bạn Lào cảm thấy ấm áp hơn khi mới sang Việt Nam, đồng thời cũng là hoạt động thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm tương thân tương ái giữa nhân dân hai nước Việt – Lào anh em”. Thầy Thành nhấn mạnh.

Anh Keophouseng Leth từ tỉnh Salavan (Lào) là LHS lớn tuổi nhất trong “Ngày hội bảo trợ” 2021. Năm nay đã 37 tuổi, anh Leth nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ tại Việt Nam, chuyên ngành về kinh tế. Lần đầu tiên sang Việt Nam, còn bỡ ngỡ về ngôn ngữ và văn hóa, anh Leth mong muốn có một “người cha” về tinh thần, giúp đỡ mình nơi đất khách.

Cầu được ước thấy, trong “Ngày hội bảo trợ” vừa qua, anh được thầy Hồ Văn Thành nhận làm con nuôi. “Tôi rất vui. Ở quê nhà tôi đã có hai người con, cảm giác mình đã trưởng thành lắm rồi. Bây giờ sang Việt Nam và được thầy Thành nhận làm con, tôi lại có thêm một người cha thứ hai. Thầy là người hiền hậu, biết nhiều về văn hóa của Việt Nam”, anh Leth phấn khởi.

Các thầy cô giảng viên tại Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế cũng hòa chung niềm vui. Thầy giáo Phan Thế Hữu Tố chia sẻ: “Mỗi bạn LHS Lào lại mang trong mình một câu chuyện khác nhau. Có những bạn nhà nghèo nhưng học giỏi, nhận được học bổng của tỉnh và sang Việt Nam học. Cũng có những bạn nhà có điều kiện hơn. Nhưng nhìn chung, tôi thấy các bạn người Lào sang Việt Nam, ai nấy cũng đều rất chân tình và thân mật. Có những bạn đã ra trường, trở về Lào làm việc từ lâu nhưng vẫn thường xuyên liên lạc và vẫn gọi tôi là “bố”. Điều đó rất có ý nghĩa và là niềm vui to lớn với những người làm nghề giáo, dạy học cho những bạn LHS Lào như chúng tôi”.

Chính tấm lòng tận tụy, sự cảm thông và kiên nhẫn của các thầy cô Trường cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế chính là những nền tảng dìu dắt những bước đi đầu tiên của các bạn LHS Lào sang Huế học tập. Những tình cảm chân thành mà thầy và trò Trường cao đẳng Sư phạm Huế dành cho nhau cũng là minh chứng cho tình hữu nghị tốt đẹp Việt – Lào.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH