Chẳng biết từ khi nào nhà tôi có truyền thống gói bánh tét, bánh tày và đổ bánh thuẫn ngày tết. Chỉ biết rằng, việc quây quần mươi ngày vào cuối tháng Chạp để làm bánh đã trở thành thói quen của các thành viên trong gia đình. Và kỳ công, vì có nhiều thức nguyên liệu mạ tôi phải vun vén cả tháng trời trước khi sang năm mới.

Vất vả nhất là khâu chuẩn bị bột bình tinh để đổ bánh thuẫn. Không được giá như bột sắn dây, nhưng chỉ có bột bình tinh mới cho ra những chiếc bánh ngào ngạt mùi hương. Năm nào ba tôi cũng dành nửa sào đất, có khi hẳn một sào để trồng. Ông bón phân, chăm tỉa cẩn thận để cho ra thành quả là những vốc bột trắng bong, thơm lừng mùi nắng gió.

Đầu tháng Chạp, mạ tôi đã cẩn thận để dành trứng gà. Cứ được quả nào bà cho ngay vào tủ lạnh để trứng tươi lâu. Năm nào gà nhà đẻ ít, bà tất bật vay mượn người quen chứ nhất định không chịu mua trứng lạ. Chúng tôi lúc nhỏ hay thắc mắc, mạ bỏ công sức và tỉ mẩn quá, chỉ là trứng gà thôi mà. Khi chúng tôi đều tự lập, dịp tết quây quần, tôi mới hiểu vì sao. Mỗi chiếc bánh tết đều là tấm lòng và tình cảm của bà, không chỉ bổ dưỡng, ngon lành, mà còn là lòng thành dâng cúng tổ tiên sau một năm vất vả.

Chiếc bánh thuẫn ở nhà tôi hàng chục năm trời vẫn là công thức ấy. Trứng gà kiến, đường cát xay nhuyễn, chanh, rượu, gừng. Mạ tôi tỉ mỉ cân đo, quyện chúng với bột bình tinh đã được nghiền mịn. Sau vài tiếng đánh bột và chờ để hỗn hợp bột nghỉ, mạ mới tất bật dọn một góc bếp. Đến đây, “bảo vật” của gia đình tôi xuất hiện, đó là chiếc khuôn bánh thuẫn xưa, dày cui, nặng trịch. Trong làng chẳng bao nhà còn khuôn như thế, vì vậy giữa tháng chạp, họ đã ướm hỏi. Mượn trễ hay sớm đều được, miễn sao có chiếc bánh thuẫn tự tay làm để dâng cúng tổ tiên.

Có một “truyền thuyết” ở làng tôi, đó là muốn biết năm mới có làm ăn được hay không thì chỉ cần xem nụ bánh thuẫn. Nếu chiếc bánh không bị rỗ, nở đều 4 – 5 cánh thì mọi người sẽ cười hớn hở, năm mới nhất định tài lộc dồi dào. Nếu bánh bị đẹt, không bung hoa thì mọi người lại hùn vào, tìm cách gia thêm rượu, chanh, trứng để thúc bánh nở. Mạ tôi cũng không ngoại lệ, mẻ bánh đầu tiên luôn là niềm háo hức, phập phồng đợi chờ của tất cả thành viên trong gia đình. Nín thở nhấc nắp khuôn, 12 chiếc bánh hươm vàng, bung cánh hiện ra. Mạ tôi thở phào, chị em tôi reo mừng hớn hở, tiếng cười rộn ràng hơn cả pháo hoa ngày tết. Niềm vui vì bánh may mắn cũng có, nhưng vui nhất là đã gần năm rồi mới lại được ngắm chiếc bánh thuẫn mạ làm với mùi hương thân thuộc.

Rồi đến chiều cuối năm, nhà tôi lại rộn ràng gói bánh tét, bánh tày. Sẵn lá chuối sứ nơi góc vườn, đậu xanh nhà trồng hạt nhỏ nhưng mẩy. Chỉ cần mua ít thịt heo, nếp, ba tôi ra bờ rào lựa tre chẻ vài trăm sợi lạt là đã đủ “cơ ngơi” để gói. Năm nào tôi cũng phụ việc, có năm dẻo tay làm được những cặp bánh tày rất đẹp. Nhưng đến bánh tét thì tôi chịu, chỉ những ai chắc tay, khéo léo như ba mới làm được đòn bánh tròn, lạt thắt nút nào ra nút ấy.

Nồi bánh tét, bánh tày sôi sùng sục từ chiều, đến gần 12 giờ đêm mới vớt ra cũng là lúc ba sắp bánh, thắp hương cúng Giao thừa. Tiếng lầm rầm nguyện cầu năm mới may mắn thoảng thơm mùi bánh tét, bánh tày ngai ngái, mùi bánh thuẫn ngọt ngào. Khói hương nghi ngút, ly trà lài phả hơi ngát thơm. Khoảnh khắc sang năm mới, đất trời giao hòa làm một đầm ấm và thân thuộc, rưng rưng trong niềm hạnh phúc đoàn viên.

Mai Huế