Huy động nhân lực, vật lực thi công dự án kè dọc sông Hương. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Chạy đua với thời gian

Ngay trong những ngày đầu năm 2021, dưới cái lạnh “cắt da”, những công nhân lái máy cẩu, công nhân vệ sinh, lát gạch…thuộc dự án (DA) kè chống sạt lở và chỉnh trang làm đẹp bờ sông Hương đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ vẫn khoác áo mưa trên mình cặm cụi làm việc.

Những chiếc máy xúc, máy ép cọc hối hả thi công. Hàng nghìn mét khối đất được đào đắp, hàng nghìn bao tải đất được đóng chặt và xếp ngay ngắn theo hàng, tạo đê quai ngăn nước.

Theo thiết kế, tuyến kè có chiều dài hơn 2,7km. DA được chia theo nhiều đoạn thi công với thiết kế xây dựng linh động từ kè mái nghiêng kết cấu kè dạng tường đứng bê tông trọng lực đến kè bằng cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực SW400.

Trên tuyến đường đi bộ dọc sông, để đảm bảo chất lượng công trình, công nhân tiến hành lắp đặt các nhà di động để che mưa trong thời gian thi công. Theo lý giải của công nhân, việc lắp đặt các nhà di động sẽ kéo dài thời gian thi công nhưng đảm bảo được chất lượng và quá trình thi công theo tiến độ đề ra; phấn đấu sớm hoàn thành công trình với mục tiêu trả lại mặt bằng công viên tươm tất, tạo cảnh quan khu vực trong những ngày Tết Nguyên đán.

Các hạng mục công trình đang trong giai đoạn chạy nước rút

Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế, chủ đầu tư DA chia sẻ, DA này mức đầu tư 90 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương. Theo kế hoạch, DA sẽ thi công trong vòng 5 tháng. Tuy nhiên, Ban phối hợp với các đơn vị thi công quyết tâm hoàn thành trong vòng 3 tháng để hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Ngay từ đầu năm, dù thời tiết mưa, rét, Ban vẫn phối hợp với các nhà thầu huy động tối đa tổng lực với gần 200 lao động, 15 máy xúc và nhiều máy móc thiết bị khác nhằm hỗ trợ quá trình thi công. Những hạng mục nào mưa, lạnh vẫn tiến hành được thì đẩy nhanh, những hạng mục nào cần khô ráo mới thực hiện được thì phải tranh thủ làm ngay khi thời tiết tốt. Các nhà thầu cũng sử dụng các máy trộn bê tông tươi thay cho bê tông thường nhằm tăng hiệu quả làm việc và chất lượng cho công trình. Hiện, công trình đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc dự kiến sẽ hoàn tất các hạng mục trước tết.

Cùng với DA xây kè chống sạt lở và chỉnh trang làm đẹp bờ sông Hương, đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ, các DA đầu tư trên địa bàn cũng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành trước Tết Nguyên đán.

DA chỉnh trang khu vực Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Huân với các hạng mục chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, lề đường, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và trồng hoa cũng được tranh thủ triển khai.

Nhiều DA trọng điểm của tỉnh cũng đã hoàn tất các thủ tục đầu tư và dự kiến sẽ khởi công trước thời điểm Tết Nguyên đán, trong đó có các dự án trọng điểm Cầu chui đường sắt Bắc - Nam tại đường Bùi Thị Xuân; DA nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội...

Liên thông, giải quyết nhanh các thủ tục

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong phân bổ kế hoạch đầu tư công (ĐTC) năm 2021 chính là vốn ĐTC sẽ tập trung thực hiện chương trình, DA trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội, có tính kết nối lan tỏa nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, phương án phân bổ kế hoạch vốn đầu tư sẽ phải đảm bảo theo nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn kế hoạch ĐTC trung hạn còn thiếu của các DA thuộc danh mục của kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025; thu hồi vốn ứng trước. Vốn còn lại ưu tiên bố trí cho các DA, công trình trọng điểm bao gồm: các công trình giao thông kết nối có tính chất quan trọng; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống giao thông chỉnh trang địa phương nâng cấp đô thị; các DA bảo vệ môi trường.

Để giải ngân tốt cần sẵn sàng DA đầu tư, đòi hỏi công tác chuẩn bị đầu tư cần làm sớm, kế hoạch đầu tư chuẩn xác. Ví dụ, DA có kế hoạch vốn vào tháng 1, sau đó mới phê duyệt DA, chủ trương đầu tư, đấu thầu. Các thủ thục này có thể kéo dài đến tháng 10, tháng 11 mới có thể khởi công, mà cuối năm thời tiết thường bất lợi sẽ cản trở quá trình thi công, dẫn đến giải ngân thấp, gây áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm, ảnh hưởng tiến độ giải ngân chung. Nếu chuẩn bị sớm DA từ trước sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan.

Câu chuyện thực hiện nhanh thủ tục cũng được Giám đốc Ban quản lý DA Đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế đưa ra như một phương châm trong triển khai các DA. Theo vị này, muốn thủ tục nhanh cần có sự liên thông, phối hợp thật tốt với các sở, ngành liên quan, có như vậy mới đẩy nhanh được thủ tục thực hiện.

Riêng vấn đề thi công và giám sát quá trình thi công phải đặt mục tiêu thi công nhanh, gọn nhất, thực hiện họp báo cáo công trường hàng ngày, họp tổ, ban quản lý DA hàng tuần để đốc thúc tiến độ, xử lý kịp thời các phát sinh.

Việc thực hiện nghiêm nguyên tắc gắn trách nhiệm triển khai từng DA cho từng lãnh đạo địa phương, ngành, chủ đầu tư… làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm cũng sẽ là đòn bẩy cho công tác triển khai DA ĐTC trong năm.

Trong tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước được giao năm 2021 là 3.613 tỷ đồng, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn thực hiện 142 DA chuyển tiếp trong nước, 10 DA chuyển tiếp vốn nước ngoài; 8 DA quan trọng khởi công mới và một số công trình trọng điểm khác.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN