Đam mê, yêu nghề và chịu khó đã mang lại thành công cho Dương Ngọc Anh

Do điều kiện gia đình khó khăn, học hết lớp 9, Dương Ngọc Anh quyết định nghỉ học, đi học nghề. Sau thời gian học và làm nhiều nghề như: Nhôm kính, thợ hàn, thợ mộc…, Ngọc Anh quyết định đến với nghề mộc. “Làm ra những sản phẩm mộc dân dụng, thấy thành quả của mình được mọi người trân trọng, ưa chuộng, tôi càng thấy mình đã chọn đúng nghề và muốn gắn bó lâu dài với nghề mộc”, Ngọc Anh chia sẻ.

Năm 2015, sau khi cưới vợ, quyết định chọn Thủy Phù làm nơi lập nghiệp, phát triển nghề mộc dân dụng của mình, Ngọc Anh bàn với vợ bán hết của hồi môn của hai vợ chồng, vay mượn thêm người thân để mở xưởng mộc. Ngọc Anh mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy móc, từ máy xẻ gỗ, máy bào…cho đến máy chà, máy cắt, có thể làm cho các công trình lớn nhỏ tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Nghe tin ông chủ trẻ xưởng mộc không những chắc tay nghề, các sản phẩm làm ra luôn được khách hàng hài lòng mà tính tình hiền lành, cởi mở nên khách hàng tìm đến cơ sở của anh ngày càng nhiều. Không những ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước, Ngọc Anh còn say mê tìm hiểu, sáng tạo ra những mẫu mã mộc dân dụng như giường, tủ, cửa, bàn ghế… hiện đại, đẹp mắt. Ngoài những công trình trong huyện, trong tỉnh, Ngọc Anh thường được khách hàng hài lòng, truyền tai, giới thiệu ở Đà Nẵng, Quảng Trị…

Xưởng mộc của Ngọc Anh là một địa chỉ tin cậy cho các thanh niên trong vùng tới học nghề. Bất cứ ai tới học nghề, Ngọc Anh cũng đều tận tâm dạy hết những kiến thức, kỹ năng mình có. Học viên không phải mất tiền mà còn được trả công khi chập chững làm thợ phụ cho xưởng. Rất nhiều thanh niên “hư” trong vùng cũng tìm đến Ngọc Anh để học nghề và xin phụ làm.

Gần 3 năm gắn bó với ông chủ trẻ, thanh niên Lê Quý Thịnh (20 tuổi, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy), chia sẻ: “Học và làm nghề mộc không hề đơn giản, đã không ít lần em định bỏ nghề, nhưng chính anh Ngọc Anh đã truyền cảm hứng, động viên em cố gắng học để có một cái nghề ổn định, lo cho tương lai. Trước đây, em học làm cái gì cũng nhanh nản, không tới nơi tới chốn”.

Không ít thanh niên sau khi học nghề từ xưởng mộc của Ngọc Anh đã có thể đứng ra làm ông chủ; cũng có những thanh niên trở thành thợ chính, tiếp tục gắn bó cùng với ông chủ trẻ với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Xưởng mộc của Ngọc Anh luôn có thu nhập ổn định, trên dưới 30 triệu đồng/tháng (trừ chi phí thuê nhân công) và tạo việc làm ổn định cho 4 thanh niên.

“Xưởng mộc của tôi chủ yếu sản xuất các sản phẩm mộc từ gỗ rừng trồng kinh tế như keo, tràm. Đây là những loại gỗ còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng chất lượng gỗ không thua gì gỗ rừng tự nhiên, nếu chúng ta biết xử lý, bảo quản. Khi mọi người thay thế gỗ rừng tự nhiên lâu năm bằng gỗ rừng trồng kinh tế sẽ giảm được nạn phá rừng và thay đổi tư duy của mọi người về sử dụng các sản phẩm đồ mộc. Các loại gỗ kinh tế được sử dụng rộng rãi thì người dân trồng rừng cũng sẽ có nhiều lợi thế hơn để phát triển rừng trồng”, Ngọc Anh khẳng định.

Anh Phan Tuấn Vũ, Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Thủy Phù nhận xét: Dương Ngọc Anh là một thanh niên trẻ rất tích cực tham gia các hoạt động của đoàn địa phương và là tấm gương đoàn viên thanh niên vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế để các thanh niên khác học tập, noi theo. Cơ sở sản xuất mộc của anh Ngọc Anh cũng là địa chỉ tin cậy, được nhiều thanh niên trong vùng theo học nghề và làm việc.

Bài, ảnh: THẢO VY