Nguy cơ cao

Tại bờ biển thôn Phương Diên, xã Phú Diên (Phú Vang), biển xâm thực khiến khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Phạm Tăng Đoàn, Chủ tịch UBND xã Phú Diên, cho biết “Dù cách đây một năm đã làm kè chống sạt lở ở khu vực này, nhưng do kè nhỏ không đủ sức ngăn biển xâm thực nên sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra”. Sạt lở đã khiến cho tuyến đường liên thôn đi ngang khu vực này bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường bê tông đã bị nứt, lún và có nguy cơ sập đổ.
Do kè đá nhỏ nên bờ biển thôn Phương Diên, xã Phú Diên tiếp tục sạt lở
Tương tự, bờ biển thôn Phương Diên, biển xâm thực đang diễn ra ở khu vực bờ biển thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận. Ông Nguyễn Văn Thuận, một ngư dân ở thôn Hòa Duân, cho biết: - “Hàng năm, biển lấn vào đất liền từ 5m đến 8m; không chỉ gây sạt lở bờ biển mà còn ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khái, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho biết: - “Vừa rồi, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên bờ biển ở thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận tiếp tục bị sạt lở. Chính quyền địa phương đã thông báo cho người dân nên tránh xa khu vực này và đã lên kế hoạch di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết”.
Những năm qua, khu vực bị biển xâm thực mạnh ở huyện Phú Vang là đoạn bờ biển từ thị trấn Thuận An đến xã Phú Diên. Vào mùa đông, do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều đoạn bờ biển ở Phú Vang đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Ông Hồ Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, cho biết: - “Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều đoạn bờ biển ở huyện Phú Vang đã bị biển xâm thực nghiêm trọng. Chính quyền và người dân vẫn hết sức đề phòng vì nguy cơ bị sạt lở bờ biển khi mùa mưa bão đến là rất lớn”.
Còn chủ quan
Ông Nguyễn Văn Thạnh, xã Phú Diên, cho rằng: - “Ngôi nhà tôi xây kiên cố, lại ở xa khu vực bị sạt lở hàng trăm mét nên không nhất thiết phải di dời khi mưa bão đến”. Một số người khác thì vì mưu sinh nên biết nguy hiểm vẫn cố gắng bám trụ. Ông Nguyễn Văn, một người dân sinh sống lâu năm ở xóm Đuồi, thị trấn Thuận An, cho biết: - “Ở đây tuy hay xảy ra sạt lở nhưng được cái gần biển, gần phá, thuận lợi cho việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản nên tôi vẫn cố bám trụ dù biết việc này sẽ rất nguy hiểm”.
Để giải quyết triệt để tình trạng trên, các cấp ngành chức năng ở Phú Vang cần quan tâm hơn nữa trong việc tái định cư cho người dân và cần có biện pháp cương quyết, buộc các hộ dân trong vùng bị sạt lở phải di dời khi mưa bão kéo đến. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kè đá chắn sóng, xây các mỏ hàn để hạn chế việc biển xâm thực. Việc xây kè đá ở bờ biển thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An đã giúp cho bờ biển ở đây khỏi bị xâm thực là một minh chứng. Hiện nay, Phú Thuận đang được đầu tư xây kè chống sạt lở ở thôn Hòa Duân với số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Thời gian tới, khi kè này hoàn thành không chỉ giúp cho bờ biển thôn Hòa Duân khỏi bị biển xâm thực mà còn giúp cho những bờ biển lân cận khỏi bị sạt lở... Theo kinh nghiệm dân gian, việc trồng rừng phi lao cũng là một biện pháp chống sạt lở hết sức hữu hiệu. Do đó, các địa phương bị sạt lở bờ biển nhưng chưa có kinh phí để xây kè chắn sóng, xây mỏ hàn để chống biển xâm thực cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng phi lao, tránh đốn, chặt cây phi lao ở các rừng phòng hộ ven biển.
Bài, ảnh: Hào Vũ