Đường vào khu công nghiệp Quảng Vinh vẫn nhỏ hẹp

Hạ tầng thiếu đồng bộ

Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN, Thừa Thiên Huế dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, thu hút được nhiều dự án lớn, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp vào ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi để chọn lọc đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, trên địa bàn phát triển 6 KCN với diện tích khoảng 2.393 ha gồm KCN Phú Bài; Phong Điền; Tứ Hạ; La Sơn; Phú Đa; Quảng Vinh. Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã cấp phép đầu tư dự án cho 8 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật KCN chưa đồng bộ, trong đó, việc thiếu hệ thống xử lý nước thải đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Đến nay, mới chỉ có KCN Phú Bài GĐ 1 và 2 có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 6.500m3 ngày/đêm (đang hoạt động đạt 40% công suất thiết kế); Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có hệ thống xử lý nước thải công suất 4.700m3 ngày/đêm. KCN Phong Điền cũng đang đầu tư trạm xử lý nước thải 4.000m3 ngày/đêm tại khu C và Viglacera giai đoạn 1 dự kiến sẽ  hoàn thành trong quý I và quý II/2021. Các KCN khác hầu như chưa được đầu tư.

Không riêng gì hệ thống xử lý nước thải, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng thiết yếu khác tại các KCN chưa thực sự hoàn chỉnh, trong đó, các khu đều vướng công tác giải phóng mặt bằng khiến tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng còn gặp nhiều khó khăn.

Khó thu hút đầu tư

Hạ tầng chưa đồng bộ chính là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn. Ngoài KCN Phú Bài giai đoạn 1, 2 thì các KCN khác tỷ lệ lấp đầy rất thấp.

Thống kê từ Ban Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho thấy, tại KCN Phong Điền tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt từ 25 đến 29%, riêng khu C mới chỉ đạt 8,5%. Các KCN còn lại tỷ lệ lấp đầy cũng ở mức thấp như: KCN La Sơn 26,7%; KCN Phú Đa 22%; KCN Tứ Hạ: 2,8%. Cá biệt KCN Quảng Vinh sau hơn 7 năm thành lập cũng chỉ là bãi đất trống giữa vùng gió cát..., chưa có nhà đầu tư hạ tầng cũng chưa có dự án đầu tư nào.

Theo ông Phan Gia Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quảng Điền, dù có 4-5 nhà đầu tư tìm về địa phương để tìm hiểu nhưng rồi vẫn “quay lưng”, dù địa phương đã nỗ lực trong việc “trải thảm”. Nguyên nhân chính vẫn do hạ tầng chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối chưa đảm bảo, chưa nói vị trí không thuận lợi.

Đó cũng là lý do được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ ra khi bàn về hiệu quả trong thu hút đầu tư vào KCN tại hội nghị tổng kết ngành kế hoạch và đầu tư vừa qua.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, hạ tầng chính là động lực thu hút đầu tư, muốn thu hút được các nhà đầu tư lớn có tiềm lực, trước tiên hạ tầng phải cơ bản đảm bảo, nhất là hệ thống giao thông kết nối, hệ thống xử lý nước thải…Vì thế, phải tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, từng bước hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, KCN để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn trong tỉnh gắn với bảo vệ môi trường.

Theo đó, năm 2021 các sở, ban, ngành phải tập trung đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng các KCN Phú Bài giai đoạn III, IV; hạ tầng khung khu công nghệ cao tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Phong Điền. Chú trọng xử lý nước thải tuần hoàn phục vụ công nghiệp hỗ trợ dệt nhuộm, hoàn thành tuyến đường phân luồng công nhân ra vào KCN Phú Bài và tuyến đường trục chính trong KCN Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát…

Bài, ảnh: Hoàng Loan