Mô hình nuôi dê của anh Nguyễn Đức Hưng

Năm 2012, anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương được Xã đoàn bình xét, tín chấp vay vốn NHCSXH huyện Phong Điền thông qua kênh Thanh niên lập nghiệp với số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền này và nguồn tích góp, anh Nghĩa đầu tư chăn nuôi gà. Được cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp với Xã đoàn quan tâm hướng dẫn, mô hình chăn nuôi của anh Nghĩa phát triển thuận lợi, đồng vốn phát huy hiệu quả.

Đến năm 2017, sau khi trả hết nợ ngân hàng, anh Nghĩa mạnh dạn đăng ký vay vốn theo dự án nhóm hộ với số tiền 195 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn, cá...Sau mỗi năm anh Nghĩa lại thu về hàng trăm triệu đồng. Chí thú làm ăn, trừ mọi chi phí, mỗi năm anh Nghĩa lãi khoảng 100 -150 triệu đồng. Từ đó, anh Nghĩa có nguồn vốn để đầu tư mở rộng thêm chuồng trại phát triển quy mô chăn nuôi.

Anh Nghĩa cho biết: Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay, bản thân đã mạnh dạn đầu tư mở trang trại gà với diện tích 120m2 với số lượng nuôi 1.000 con gà thịt, sau khi nhận thấy làm ăn có hiệu quả nên đã tiếp tục vay qua kênh Trung ương đoàn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình có 2 trang trại gà với số lượng 15.000 con gà giống và gà thịt, 3 bể nuôi cá lóc và 1 bể nuôi cá chình với tổng diện tích 2.520m2.

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Nguyễn Đức Hưng ở xã Phong Chương cũng ấn tượng không kém. Ban đầu, gia đình anh Hưng được NHCSXH huyện Phong Điền cho vay vốn 20 triệu đồng để chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay cộng thêm kinh phí của gia đình, anh Hưng đầu tư nuôi 10 con dê từ năm 2010. Đến nay, đàn dê của gia đình anh Hưng phát triển gần 40 con, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

“Sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay từ NHCSXH, tôi đã làm hồ sơ vay vốn và đã được các anh chị ở NHCSXH huyện Phong Điền đến tận nhà khảo sát, nắm tình hình để cho vay vốn. Từ đó, gia đình tôi có thêm động lực để đầu tư chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình”, anh Hưng chia sẻ.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách…trên địa bàn Phong Điền có điều kiện SXKD. Từ phòng giao dịch đến từng cán bộ tín dụng đều theo sát tình hình của người dân, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát khách hàng vay vốn; từ đó, thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để sản xuất.

Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phong Điền cho hay: Hiện nay NHCSXH huyện triển khai 18 chương trình vay vốn trên địa bàn 16 xã, thị trấn với tổng dư nợ hơn 405 tỷ đồng, hiện gần 11.000 hộ còn dư nợ. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Phong Điền đạt 469 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2019 là 34 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 1.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo được vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất. Đồng thời, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho 245 lao động; giúp 8 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 78 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng mới, sửa chữa cho 23 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP; xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hơn 3.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...

Bài, ảnh: H. Huế - T.Dũng