Tạo điều kiện về học nghề, làm việc cho các đối tượng cai nghiện ma túy tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

Thời gian qua, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp, hình thức đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống TNXH trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu, đẩy lùi TNXH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Công tác cai nghiện ma túy; phòng chống mại dâm; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không tệ nạn ma túy, mại dâm và xây dựng mô hình thí điểm phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng; tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán... đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các địa phương đã cụ thể hóa và chủ động trong việc đưa công tác phòng chống TNXH vào cuộc vận động xây dựng "gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"..., góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa TNXH.

Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, con người. Nhận thức về những tác hại của mại dâm tại cộng đồng ở một số địa phương chưa cao, còn chủ quan và dễ bị lợi dụng đan xen hoạt động mại dâm với sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình, nơi nào có sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân thì ở đó sẽ ít xảy ra TNXH. Vì thế, thời gian tới, để thực hiện tốt công tác phòng chống TNXH cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện ma túy, tham gia tuyên truyền, vận động các đối tượng để giảm thiểu tác hại của TNXH đối với đời sống xã hội...

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG