Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - Ngô Thanh Danh. Ảnh: Báo Đắk Nông

Không chỉ Đắk Nông mà có lẽ bất kỳ nơi nào, khi phát hiện những hiện tượng lợi dụng chức vị, danh nghĩa của người người có sức ảnh hưởng (ví dụ như trường hợp này là bí thư tỉnh ủy) thì phải có cách ứng xử phù hợp. Mục đích là nhằm không để sự lợi dụng diễn ra, điều này có thể làm thiệt hại cho tổ chức và xã hội.

Ví dụ như lợi dụng để tiếp cận các dự án thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của nhiều doanh nghiệp; lợi dụng để tiếp cận các nguồn khai thác tài nguyên, nếu như quản lý không chặt thì sẽ mất mát tài nguyên quốc gia. Nhưng quan trọng nhất là phải bảo vệ uy tín của người có sức ảnh hưởng. Khi người có sức ảnh hưởng nắm giữ một vị trí quan trọng nào đó, có khi họ như là sự đại diện hình ảnh của một tổ chức, tập thể. Trong phạm vi địa phương là hình ảnh của địa phương; trong phạm vi quốc gia là hình ảnh của quốc gia. Về công tác nội chính, đây cũng là công việc bảo vệ chính trị nội bộ.

Tuy nhiên, khi đọc bức thư này, tôi thấy có mấy điều quan tâm.

Lý do đầu tiên tôi quan tâm đến bức thư của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông là bởi vì, về mặt tổ chức Đảng, trên cả đất nước mình nơi nào cũng có các chức danh bí thư: bí thư tỉnh ủy, bí thư huyện ủy, bí thư xã, bí thư Đảng bộ, bí thư chi bộ… Sự việc xảy ra ở một nơi, nhưng rất dễ kéo theo mối liên hệ đến nhiều nơi khác bởi khả năng lan tỏa thông tin cao, mà thông tin thì chưa hẳn chỉ một chiều tốt đẹp. Cho nên, theo người viết, nếu thật sự có những hiện tượng như vậy, chúng ta có thể tìm những phương thức thông tin vừa chính xác, vừa giải quyết được vấn đề một cách linh hoạt.

Thứ hai, nhiều từ ngữ trong thư có vẻ như đi quá chuẩn mực. "Ra oai, chém gió, xin xỏ" là ngôn ngữ ngoài đời sống chứ không phải ngôn ngữ văn bản. Chúng ta có thể hiểu một cách khác là “tiếng lóng”. Ví như chữ “chém gió” ngữ nghĩa rất mơ hồ. Đã vậy thì không nên sử dụng làm văn phong cho một văn bản, dù là thư, vẫn mang tính văn bản hành chính.

Nhưng điều quan trọng nhất, dư luận sẽ đặt ra các câu hỏi: Một chức vị, trong trường hợp nêu trên là bí thư tỉnh ủy có dễ bị lợi dụng? Theo tôi là rất khó. Muốn làm ở một vị trí cao thì người đó đã trải qua bao nhiêu chức vụ, đã được “thẩm định” về cách thức làm việc, tư cách đạo đức, lối sống… trước tổ chức và người dân. Không dễ gì làm "vẩn đục" một viên kim cương… Giả sử như nếu có sự lợi dụng thì chủ yếu vẫn là quyền lợi, mà nhiều nhất là quyền lợi vật chất. Quản lý về vật chất của Nhà nước đã có những qui định rõ ràng, bao phủ hết các lĩnh vực, đảm bảo sự giám sát… thế thì lợi dụng thế nào? Trong trường hợp này, người lãnh đạo chỉ cần nhắc nhở cấp dưới làm đúng là đã giải quyết được vấn đề.

Nguyên Lê