Đào tạo nghề tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế
Trên quy mô cả nước, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam liên tục được cải thiện từ năm 2016 đến 2020. Nếu 2016 Việt Nam ở thứ hạng 88 thì 2018 đã nhảy vọt lên 57 và 2020 đạt thứ hạng 49. Nếu đặt chỉ số phát triển bền vững trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa vượt qua vị trí 100 so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng ta sẽ thấy một sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.
Nhìn vào các nhóm mục tiêu quan trọng như nêu trên của Chương trình nghị sự 2030 của LHQ, Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có những nỗ lực vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Ví như mục tiêu giải quyết cơ bản nạn đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đói thì tỉnh ta đã xóa từ cách đây mấy chục năm, chứ không cần đợi đến GRDP bình quân đầu người hơn 2.100 USD. Còn tình trạng nghèo thì Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh giảm rất nhanh và bền vững. Tính chất bền vững chính là ở chỗ rất ít hộ tái nghèo. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh tỷ lệ hộ nghèo là 8,36% thì đến cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 5,03% và đến năm 2020 giảm còn dưới 4%, nghĩa là trong vòng chỉ 5 năm chúng ta đã giảm được hơn một nửa tỷ lệ hộ nghèo.
Có một điểm đáng chú ý là tỷ lệ hộ nghèo thường tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn và miền núi, những nơi cũng chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp mà điều kiện sản xuất lại hết sức khó khăn, trình độ canh tác trên mặt bằng chung còn lạc hậu. Thế nhưng chính những nơi này lại đạt tỷ lệ giảm hộ nghèo ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,85%/năm. Năm 2015, có 19 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% thì đến năm 2020 giảm chỉ còn 7 xã. Không chỉ giảm được nghèo, nhiều xã còn vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến năm 2020, có 12 trên tổng số 27 xã vùng bãi ngang đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân hộ nghèo, hộ cận nghèo sau 5 năm tăng từ 1,3 - 1,5 lần…
Nguyên nhân giảm nghèo bền vững đạt được kết quả to lớn là nhờ sự đầu tư rất mạnh của Nhà nước bằng các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao kết cấu hạ tầng, nâng cao các mặt khác để hỗ trợ cho giảm nghèo bền vững như nâng cao dân trí, văn hóa; điều kiện chăm sóc sức khỏe; được tiếp cận vốn vay ưu đãi… Chính quyền ở từng địa phương cấp cơ sở cũng hết sức năng động hướng dẫn phát triển kinh tế phù hợp với thực tế đã nâng cao được giá trị cây trồng vật nuôi, phát triển các ngành nghề...
Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển rừng, năng lượng sạch chúng ta cũng đạt được nhiều thành tựu. Ví dụ như trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Thừa Thiên Huế có tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 57%. Hiện nay, ở tỉnh cũng tham gia rất tích cực vào khai thác nguồn năng lượng sạch như thủy điện, điện mặt trời.
Về mặt chính sách, từ Trung ương đến địa phương, giảm nghèo bền vững được tập trung vào hai chủ trương, chính sách lớn là xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trước đây, khái niệm giảm nghèo được hiểu thiên về thu nhập vật chất đơn thuần (năm nay thu nhập bao nhiêu, sang năm thu nhập bao nhiều, thu nhập đang ở mức nào để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo) thì từ năm 2016, khái niệm giảm nghèo được hiểu theo khái niệm mới – “nghèo đa chiều”. Hiểu một cách trực tiếp thì nhìn nhận cái nghèo bây giờ không còn thuần về vật chất mà còn xem xét ở nhiều lĩnh vực khác, đó là sự tiếp cận các dịch vụ cơ bản như khác giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, đào tạo nghề và tiếp cận thông tin truyền thông… Nhìn lại 5 năm qua, giai đoạn 2016-2020 phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Giảm nghèo bền vững có ý nghĩa rất lớn trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nó không chỉ là thực hiện mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, bác ái, công bằng xã hội… mà một khi người nghèo ít đi, xã hội có điều kiện phát triển nhanh hơn về nhiều mặt. Chính quyền cũng có điều kiện hơn để chăm lo trách nhiệm xã hội của phần còn lại đối với người nghèo.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: MINH HIỀN