Cùng với sự phát triển đất nước, Huế cũng đang đổi thay mạnh mẽ. Một số người thân ở xa khi trở lại Huế, nhận xét đầu tiên là Huế đẹp lên từng ngày và người Huế cũng giàu chẳng thua ai. Tuyến phố nào đông đúc. Ô tô cá nhân đậu san sát bên lề.

Mừng vì sự phát triển địa phương và đời sống người dân được nâng cao, nhưng kèm đó là áp lực bởi sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện cá nhân, nhất là ô tô. Bởi, hạ tầng đô thị không ngừng được chỉnh trang, đường sá được mở rộng, nhưng vẫn không kịp với sự gia tăng của các phương tiện giao thông. Một số tuyến phố, muốn tìm chỗ đỗ xe cũng bắt đầu khó chẳng khác các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Khi áp lực như vậy, cộng với ý thức của người tham gia giao thông không cao thì các vi phạm xảy ra ngày càng nhiều, thậm chí trở nên nhức nhối, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Hàng ngày chúng ta thường xuyên phải chứng kiến các hành vi vi phạm như: Xe dừng, đỗ không đúng quy định; xe chạy vào đường cấm, vào thời gian cấm; xe vượt đèn đỏ, xe quá khổ, xe quá tải; đậu lấn chiếm lòng, lề đường trái phép. Một số tuyến đường dù có bảng quy định đỗ theo ngày chẵn lẻ, nhưng xe đậu vô tội vạ cả hai bên, gây ách tắc giao thông.

Vi phạm nhiều thì công tác lập lại trật tự an toàn giao thông của các lực lượng chức năng càng thêm vất vả. Nhưng cái khó, những người vi phạm thường chọn những nơi, những lúc vắng bóng lực lượng chức năng. Hơn nữa, có khi hành vi vi phạm chỉ diễn ra trong vài giây, trong khi lực lượng chức năng mỏng, không thể có mặt khắp mọi nơi và thường xuyên túc trực để kịp xử lý. 

Từ năm 2019, UBND tỉnh có Quyết định 2498/QĐ-UBND về Quy chế phố hợp sử dụng thông tin, dữ liệu thu được từ Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh trong xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Theo đó, từ ngày 1/11/2019 sẽ chính thức phạt nguội hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý các vi phạm khi các hình ảnh, video ghi nhận trực tiếp từ hệ thống hình ảnh của IOC và nguồn hình ảnh, video của cá nhân, tổ chức thực hiện gửi thông qua kênh IOC tiếp nhận được chấp nhận làm cơ sở để xử lý các vi phạm.

Thực tế, qua hơn 1 năm thực hiện, Công an TP. Huế và các đơn vị đã tiếp nhận hơn 3.500 phản ánh liên quan đến vấn đề vi phạm giao thông; xác minh, ra quyết định xử phạt hơn 1 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn, việc phạt “nguội” này có tác dụng răn đe cao, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, do hạn chế về hạ tầng, số lượng camera giám sát chưa nhiều, chủ yếu mới được lắp đặt ở khu trung tâm, tuyến đường trọng điểm nên hiệu quả phạt “nguội” chưa cao. Với hình thức phạt “nguội” dán thông báo phạt trên kính ô tô, vừa được Công an TP. Huế áp dụng sẽ mở rộng phạm vi, linh hoạt hình thức, tăng tính răn đe trong việc xử lý vi phạm giao thông.

Tuy là phạt “nguội”, nhưng việc xử lý các vi phạm cần phải “nóng”, với việc ra quân thường xuyên, xử lý chính xác, nhanh chóng. Ngoài lực lượng cảnh sát giao thông, cần giao quyền cho công an các phường, bởi họ thường xuyên bám sát địa bàn, kết hợp tuần tra với việc xử lý vi phạm kịp thời.

Hoàng Minh