Giai đoạn 1 dự án khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An đã hoàn thiện

Bồi lắng, xuống cấp

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có gần 800 phương tiện tàu thuyền khai thác biển; trong đó có 420 tàu xa bờ và khoảng 2.000 phương tiện ghe ghọ bãi ngang, đầm phá.

Cùng với chính sách phát triển nghề biển, những con tàu công suất lớn liên tục được đóng mới. Với “đội quân” tàu thuyền khá đông đảo đang ngày càng gây “áp lực” lên hạ tầng neo đậu. Hiện chỉ có 7 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và 55 âu thuyền nhỏ và vũng neo đậu tự nhiên nằm sâu trong đất liền.

Trong khi đó, nhiều âu thuyền, điểm tránh trú đã xuống cấp, luồng lạch bồi lắng, không đáp ứng nhu cầu neo đậu của ngư dân, gây khó khăn phát triển hậu cần nghề cá. Để tạo luồng lạch thông thoáng, những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, các đơn vị chức năng đã tiến hành duy tu, nạo vét, chỉnh trị luồng lạch nhưng cũng chỉ được vài năm, việc bồi lắng lại tái diễn khiến nhiều tàu thuyền gặp nạn khi ra vào cầu cảng.

Năm 2021, dự án cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Tư Hiền (Vinh Hiền, Phú Lộc) sẽ được bố trí vốn

Ông Đăng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Thuận được đầu tư xây dựng năm 2000, là nơi neo đậu tránh trú bão cho hơn 100 phương tiện tàu thuyền. Hiện nay, một số hạng mục đã xuống cấp như tuyến đê, mái đê phía đầm Thanh Lam bị sạt lở, mặt đê nhiều đoạn bị nứt gãy, các bích neo thuộc đê chắn sóng bị hư hỏng, khu neo đậu và luồng chạy tàu bị bồi lấp...

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT đưa công trình nâng cấp âu thuyền Phú Thuận vào đầu tư nâng cấp từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh theo Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 1/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư các dự án (DA) “Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá”.

Tuy nhiên, công trình âu thuyền Phú Thuận không nằm trong quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ) nên không được đầu tư trong đợt này.

Về lâu dài, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để đầu tư nâng cấp.

Từng bước đầu tư

Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2021, DA cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Tư Hiền (Vinh Hiền, Phú Lộc) sẽ được bố trí vốn triển khai từ khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. DA gồm các hạng mục xây dựng cầu tàu, nâng cấp tuyến kè bờ neo đậu tàu thuyền, sửa chữa hạ tầng khu vực cảng..., đặc biệt hạng mục nạo vét, chỉnh trị luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền.

Hiện công trình đang thực hiện giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu xây lắp để sớm triển khai thi công.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng cá Thuận An được quy hoạch là cảng cá loại I, với quy mô 120 lượt/700CV và lượng thủy sản qua cảng là 20.000 tấn/năm, kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão.

Tuy nhiên, cảng cá Thuận An hiện có được đầu tư xây dựng từ năm 2001, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng, dịch vụ hậu cần nghề cá không đảm bảo và quy mô hiện nay không đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền trong và ngoài tỉnh ra vào cảng.

Năm 2019, DA khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp mở rộng cảng cá Thuận An với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng, từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển đã triển khai xây dựng hoàn thành giai đoạn 1.

Theo Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh - chủ đầu tư DA, giai đoạn 2 của DA đang triển khai sẽ kết nối đồng bộ với các hạng mục đã đầu tư ở giai đoạn 1 để góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo các mục tiêu đầu tư.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, công trình sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá để tiện lợi cho tàu thuyền cập bến bốc dỡ hàng hóa, bảo quản thủy hải sản, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU cần tuân thủ như: đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực, có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống các kho bãi lưu trữ hàng, hệ thống nhà cấp đông, nhà máy nước đá, hệ thống nhà làm việc và các khu dịch vụ khác. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300 CV)...

Công trình cũng sẽ tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn xã hội hoá để xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu thuyền và dịch vụ hậu cần nghề cá; cải thiện môi trường khu vực nhằm góp phần nâng cao năng lực nghề cá, xoá đói giảm nghèo khu vực ven biển, khu vực đầm phá.

Bài, ảnh: Hà Nguyên