Cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua địa bàn Xuân Lộc (Phú Lộc)

Động lực phát triển

Gần đây, tuyến QL49B nối từ Thuận An (Phú Vang) đến Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc) đã được đầu tư nâng cấp gần 48km, với nguồn vốn hơn 761 tỷ đồng. QL49B được mở rộng không chỉ giảm tải ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên tuyến lộ có nhiều nút thắt mà còn tạo sự lưu thông liên hoàn giữa vùng biển với các trung tâm huyện lỵ, TP. Huế.

Cùng thời điểm triển khai Ql49B, đường Thủy Phù-Vinh Thanh thuộc dự án (DA) đường cứu hộ, cứu nạn dài hơn14 km, với vốn đầu tư 155,088 tỷ đồng đi qua địa bàn TX. Hương Thủy-Phú Vang đã hoàn thiện; tuyến Phú Mỹ-Thuận An (Phú Vang) rộng 36m, dài 4,178km với kinh phí 345 tỷ đồng đang chuẩn bị về đích. Dấu ấn nổi bật ở huyện Phong Điền khi một tuyến đường nằm trong DA cứu hộ cứu nạn dài hơn 12 km nối QL1A tại thị trấn Phong Điền đến xã Điền Lộc với tổng vốn đầu tư gần 672 tỷ đồng cũng đã được triển khai gần hoàn thiện.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, khẳng định: Khi tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc hoàn thiện, sẽ giúp kết nối việc giao thương hàng hóa, đi lại của người dân vùng đồi đến vùng biển thuận lợi và giúp cho các chủ đầu tư, đơn vị, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, làng nghề tại các huyện, thị xã phía bắc tỉnh nhà giảm được chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa đồng thời tạo đường cứu hộ, tránh lũ an toàn, hiệu quả ở địa phương.

Mới đây, cao tốc La Sơn-Túy Loan thuộc DA đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn các huyện Phú Lộc, Nam Đông dài hơn 36km, quy mô 4 làn xe với mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng đã hoàn thiện. Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc DA xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam qua địa bànThừa Thiên Huế đang triển khai đúng kế hoạch với chiều dài 62,5km (đi qua các địa phương Phong Điền, Phú Lộc; TX.Hương Trà, Hương Thủy). Mặt cắt ngang tuyến giai đoạn trước mắt đầu tư với quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12m.

Khi cao tốc Cam Lộ-La Sơn hoàn thành sẽ nối với tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan và hoàn thiện nhánh Đông đường Hồ Chí Minh kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Với nhiều ưu thế, những tuyến cao tốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo sự kết nối về giao thông liên hoàn với các tỉnh ở khu vực miền Trung mà cả nước.

Tiếp tục đột phá 

Không riêng các đường lớn đã mở, nhiều  công trình giao thông tạo dấu ấn cho Thừa Thiên Huế thời gian gần đây, như hầm đường bộ Hải Vân 2 có điểm đầu ở thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) và điểm cuối thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng với chiều dài hơn 12,6km. DA do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Chính phủ và Bộ GTVT phê duyệt thực hiện từ năm 2016 với mức đầu tư hơn 7.296 tỷ đồng đã hoàn thiện.

Năm 2019, Cảng HKQT Phú Bài khởi công xây dựng Nhà ga hành khách T2 theo quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không của Chính phủ giai đoạn mới, định hướng đến năm 2030 trở thành cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). DA xây dựng bến số 2, số 3 cảng Chân Mây đang dần hoàn thiện, với khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50-70 nghìn DWT để tăng cơ hội phát triển kinh tế đường biển trong thời gian đến.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, nhiều năm qua, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp các tuyến đường, cầu trên địa bàn. Sự phát triển nhanh về hạ tầng giao thông góp phần hiện thực hóa quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện chương trình đột phá là huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ với tổng thể trong khu vực, quốc gia, phục vụ phát triển mở rộng TP. Huế, kết nối các vùng đô thị trọng điểm, vùng biển... của tỉnh, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Trước mắt, ngoài công tác phối hợp với bộ, ngành chức năng triển khai đúng kế hoạch DA cao tốc Cam Lộ-La Sơn, mở rộng nhà ga T2 Cảng HKQT Phú Bài, cảng chuyên dụng Điền Lộc, đường Vành đai 3, sẽ tập trung triển khai DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương với vốn đầu tư dự kiến 2.050.492 triệu đồng; tuyến đường ven biển nối bắc nam của tỉnh dài 127km, tổng mức đầu tư khoảng 6.480 tỷ đồng; mở rộng các QL49B, 49A... Đây là những DA giao thông quan trọng đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ tiếp theo.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ chia sẻ: Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ mang tầm chiến lược, quan trọng của các DA giao thông đang mở ra, lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vốn..., tạo sự kết nối đồng bộ về giao thông, làm nền tảng đột phá cho toàn tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Bài, ảnh: Minh Văn