Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc (Nguồn: Tư liệu-TTXVN)

1. Khi bước tới cột mốc 108 biên giới Việt – Trung (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu với tâm trạng bồi hồi, xúc động, mà như Người đã kể trong “Vừa đi đường vừa kể chuyện” rằng: “Chiều hôm đó, đồng chí B (Lê Quảng Ba) dẫn Bác cùng cả nhóm thanh niên (Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm và một số đồng chí khác) về Pác Bó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình…”.

Hành trang của một người sau hơn 30 năm xa cách trở về thật giản dị, nhưng mang nặng tâm tư. Song điều quý giá nhất, quan trọng nhất là sự trở về của Nguyễn Ái Quốc không những giữ vững truyền thống văn hóa tốt đẹp của một người Việt Nam yêu nước, thương dân đã được nâng tầm hiểu biết, mà sự trở về còn mang trong đó cả tinh hoa văn hóa, tư tưởng của loài người tiến bộ mà Người dày công trải nghiệm và học được.

Lúc đó, các thế hệ người Việt Nam đã thấu hiểu thế nào là cuộc sống cùng cực của người dân mất nước, mất độc lập, tự do, nên sự trở về của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc là quý giá nhất, rất đúng lúc mà cả dân tộc mong chờ - Sự trở về để nhóm lửa cách mạng và dẫn dắt dân tộc đấu tranh giành tự do, độc lập… Sự trở về của Bác năm ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu reo vui: “Ôi sáng Xuân nay Xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về im lặng con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”…

 Trong những ngày đầu tiên ở Pắc Bó, với cái tên Ông Ké, hay Già Thu – Người đã cùng ăn tết, thăm hỏi, tiếp xúc thân tình với bà con người Nùng ở vùng biên giới Cao Bằng, đặc biệt với gia đình ông Máy Lì, một cơ sở cách mạng tin cậy nhất của ta, là nơi ở, hội họp trong những ngày đầu Nguyễn Ái Quốc cùng đoàn cán bộ mới về nước. Ít hôm sau, do yêu cầu đảm bảo bí mật, cũng như không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình ông Máy Lì, Già Thu (Nguyễn Ái Quốc) được sự hướng dẫn, giúp đỡ của bà con đã chuyển vào sinh sống, làm việc trong một hang đá hoang lạnh (hang Cốc Bó) phía đầu nguồn biên giới Việt - Trung.

Pắc Bó nằm trong một thung lũng sát đường biên giới giữa ta với nước Trung Hoa, nơi có núi rừng rậm rạp, cư dân thưa thớt, phần lớn là các gia đình cơ sở cách mạng người Nùng cư trú. Đây thực sự là địa bàn rất thuận lợi cho hoạt động bí mật “Sáng ra bờ suối tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng đã sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”, lại là nơi cảnh sắc hùng vĩ, hữu tình với “núi cao, suối sâu” ôm ấp, chở che bộ máy lãnh đạo cách mạng Việt Nam buổi đầu đầy gian khó. Pắc Bó thật sự là nơi khởi phát, dẫn dắt toàn dân thực hiện ước mong mà Người hằng ấp ủ “cứu nước, cứu dân”.

2. Công việc đầu tiên trong những ngày tháng ở đầu nguồn Pắc Bó, Già Thu – Nguyễn Ái Quốc quan tâm nhất là phải chắp nối liên lạc với các tổ chức trong và ngoài nước, xây dựng phong trào rộng lớn trong toàn dân, huấn luyện, đào tạo cán bộ về tổ chức, lực lượng và đường lối cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác – Lênin, nhằm chuẩn bị cho một cao trào cách mạng mới mang tính toàn diện và triệt để.

Tại đầu nguồn Pắc Bó, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, mang tính chuyển xoay vận nước như: Tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941), nhằm phân tích tình hình thế giới và trong nước, xác định kẻ thù chính yếu của cách mạng Việt Nam, từ đó vạch rõ nhiệm vụ giải phóng dân tộc lúc này là trên hết và trước hết. Để động viên toàn thể đồng bào, Nhân dân cả nước hưởng ứng, Hội nghị Trung ương VIII nêu cao khẩu hiệu “Độc lập dân tộc và người cày có ruộng” nhằm tập hợp rộng rãi quần chúng Nhân dân đánh đuổi kẻ thù chung là Nhật – Pháp, giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ đó, hội nghị thống nhất thành lập Mặt trận Việt Minh và đề ra 10 chính sách lớn, tập hợp, vận động quần chúng tham gia cách mạng. Cũng tại nơi này, Người tổ chức biên soạn, dịch thuật, in ấn, phát hành bí mật các tài liệu về chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối cách mạng Việt Nam; đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện chính trị, quân sự cho các cán bộ chủ chốt. Đặc biệt, vào ngày 22/12/1944, tại cánh rừng Nà Sác, Người đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), mở ra một bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho cách mạng Việt Nam tiến lên và giành thắng lợi trọn vẹn.

Sự trở về của Nguyễn Ái Quốc để nhóm lên ngọn lửa cách mạng ở đầu nguồn Pắc Bó, Cao Bằng vào mùa xuân năm 1941 đã thực sự bùng cháy. Chính từ nơi đây, Người cùng Trung ương Đảng vạch đường, chỉ lối, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới đích cuối cùng bằng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên cả nước, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa – Nhà nước của dân, do dân, vì dân vào mùa thu năm 1945 lịch sử.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG