76,7% không có hợp đồng lao động, cơ bản là lao động thời vụ; 48,2% bị giảm thu nhập nặng nề; hơn 30% gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm an toàn… là những chỉ số được đưa ra trong một khảo sát của ActionAid Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tại một hội thảo vừa được tổ chức tại Hà Nội. Cho dù số lượng lao động phi chính thức không nhiều, chỉ 500 người ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được khảo sát và tham vấn nhưng những tỷ lệ trên cũng cho thấy, sau ảnh hưởng COVID-19 đang để lại, đây là khu vực lao động cần được quan tâm, hỗ trợ trên nhiều phương diện.

Đây gần như không chỉ là vấn đề của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mà còn là vấn đề của các đô thị khác, tùy theo biên độ và mức độ dân số cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội và những tác động đa chiều lên đời sống xã hội kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Không khó để nhận diện nó, nếu chúng ta quan sát xung quanh. Công việc giảm, sức mua ít đi và kém lại. Đây cũng là một vòng luẩn quẩn và cho đến bây giờ, tình hình vẫn chưa nhiều cải tiến, dù đã ấm dần những tín hiệu lạc quan.

“Công việc không lương” là một khía cạnh khác của vấn đề được đặt trở lại hội thảo này. Đối tượng và phạm vi của nhóm thuộc về “công việc không lương” đa phần là phụ nữ, bao gồm nội trợ, chăm sóc gia đình, con cháu…và những việc không tên khác. 81% trong số những người được hỏi mà chúng tôi dẫn ở trên cho hay, bên cạnh các công việc không lương như đã đề cập ở trên thì gánh nặng kiếm tiền để lo cho gia đình trong thời gian giãn cách bởi COVID-19 được chuyển lên vai người phụ nữ. Trong khi đó, theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ thì, những công việc chăm sóc không lương được cho là không có giá trị về kinh tế. Ở nhiều nước, công việc chăm sóc không lương gần như được xem là vấn đề riêng của mỗi gia đình với trách nhiệm chủ yếu là của phụ nữ và trẻ em gái, thay vì công việc cần phải tái phân bổ giữa các chủ thể khác nhau của xã hội, bất chấp một thực tế về những đóng góp to lớn của công việc này cho nền kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, theo một số liệu được đưa ra bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế vào năm 2017, các công việc chăm sóc không lương này có thể chiếm đến 20% GDP Việt Nam nếu được ghi nhận đầy đủ. Con số có thể đã làm không ít người ngạc nhiên, nhưng nó cũng phản ảnh một thực tế.

Đây là những tồn tại vẫn còn hiện hữu, dù đã được nhận thức, chia sẻ từ các thành viên trong gia đình ở một số khu vực. Cũng vì thế, bên cạnh việc đưa ra những khuyến nghị về những trợ lực hợp lý cần có từ phía chính phủ đối với lao động phi chính thức, một đối tượng cần được quan tâm nhiều hơn chính là lao động nữ ở nhóm lao động phi chính thức này. Trong đó, những vấn đề chính yếu được đặt ra là việc ổn định ngân sách cho dịch vụ công, y tế, giáo dục và an sinh xã hội…

Lê An Bình