Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh trong ngày làm việc 28/1

Tạo đà cải cách hành chính, giảm nghèo bền vững

Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu bật những kết quả, giải pháp về nhiệm vụ cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước ta với mục tiêu phát triển hơn nữa đất nước.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Đảng ta đã xác định, cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá để phát triển đất nước. Bộ Nội vụ đề xuất với Đại hội một số nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.  

Với tham luận với chủ đề “Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy khẳng định, Đại hội đã xác định mục tiêu cho giai đoạn tới là “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5% hằng năm”; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020-2030, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”. 

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, cần thiết kế hợp lý để tránh trùng lắp về đối tượng, nội dung, phương thức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 

Dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của Nhân dân.

Nhiều ý kiến tham luận tại Đại hội cũng đã khẳng định về việc cần xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững; xây dựng Cần Thơ trở thành khu vực lớn nhất về nông nghiệp vùng; phát triển hài hòa giữa các vùng miền; gắn phát triển kinh tế với văn hóa…

Phát huy sức mạnh văn hóa

Là đại biểu của Đảng bộ tỉnh dự Đại hội, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã phát biểu tham luận với chủ đề: “Phát huy sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững đất nước”.

"Con người với tư cách là chủ thể xã hội đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển. Con người là nguồn lực của mọi nguồn lực, quy tụ mọi sức mạnh, quyết định sự tồn vong hay hưng thịnh của các dân tộc", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa được nâng lên trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân. Thể chế văn hóa, chính sách văn hóa dần được hoàn thiện.

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh chụp ảnh lưu niệm 

Trong thời gian tới, bối cảnh quốc tế được dự báo tiếp tục có những thay đổi lớn, diễn biến phức tạp, khó lường, đưa tới nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn đó đặt ra và đòi hỏi sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phải giải quyết tốt một số vấn đề như: Xử lý mâu thuẫn giữa yêu cầu về phát triển các mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, xây dựng văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước cần hướng đến những nhiệm vụ cơ bản, đó là xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Về các giải pháp để phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, phải thực sự tiêu biểu về đạo đức, lối sống, thực sự gần dân, thân dân, trọng dân, phấn đấu vì lợi ích của dân, thấm nhuần đạo lý "Dân là gốc". 

Văn hóa phải có tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa đối với những quan điểm mơ hồ, sai trái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Cần tiếp tục tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, mức đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động văn hóa phải tương ứng với vai trò của nó trong sự phát triển đất nước.

Buổi chiều, Đại hội nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Bài, ảnh: Anh Phong