Các sản phẩm mây tre đan Bao La vẫn trụ vững dù trải qua nhiều giai đoạn khó khăn

Giá trị của sự tồn tại

Người ta đang bàn nhiều đến sự khốn khó của các doanh nghiệp, những sản phẩm OCOP cũng không ngoại lệ. Còn nhớ, trong đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm 2020, sản phẩm mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) bí đầu ra, kéo theo nhiều lao động bị mất thu nhập. Chính sự phụ thuộc quá lớn vào các hợp đồng xuất khẩu đến từ Trung Quốc khiến cán cân cung cầu gặp vấn đề. Nhưng vượt lên mọi khó khăn, đến nay làng nghề này vẫn trụ vững, thậm chí so với các sản phẩm khác, mây tre đan Bao La vẫn sống khỏe trong thách thức.

Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La  - Võ Văn Dinh bảo rằng, trong hoàn cảnh khó khăn, nhận diện để phân phối đúng thị trường là cách đơn vị này “vượt bão”. Và trong đợt dịch COVID-19 thứ hai năm 2020, những lao động tại đây không mất việc. Ngoài việc mở rộng thị trường nội địa, đặc biệt là những tỉnh thành “an toàn” thời điểm ấy, cơ chế của HTX Mây tre đan Bao La là vẫn tiếp tục cho ra những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Nghĩa là khi thị trường có nhu cầu, sẽ có đủ những sản phẩm tốt ngay lập tức đáp ứng ngay. “Hiện nay, không chỉ đang vào mùa cao điểm sản xuất phục vụ thị trường tết mà còn phải đẩy nhanh tiến độ để tạo ra sản phẩm đã được đặt hàng từ đầu năm. Sau những đợt dịch, sự hồi sinh của làng nghề dịp cuối năm và cận kề tết nguyên đán là tín hiệu vui, giúp cả trăm lao động địa phương có kinh phí trang trải cuộc sống”, ông Dinh bày tỏ.

Chủ thể của các sản phẩm OCOP hiện nay tại Thừa Thiên Huế hầu hết là hợp tác xã, dựa vào cộng đồng và giải quyết đời sống cho cộng đồng là mục tiêu hướng đến. Những sản phẩm được xem là đặc trưng của vùng miền này ngoài khâu quảng bá rất cần sự đầu tư trước khi nói đến chuyện nâng hạng, nâng sao.

Tại HTX Quảng Thọ 2 (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, chính sự đầu tư bài bản giúp các dòng sản phẩm như rau má tươi VietGAP, trà rau má túi lọc, trà rau má sao khô, bột matcha rau má có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường.

Đến nay, nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm với hình thức đẹp và chuyên nghiệp hơn. Trên cơ sở lựa chọn các sản phẩm đạt chất lượng tốt, luôn chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, quan tâm tới các yếu tố như: tem, nhãn mác, mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, xuất xứ..., việc đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP nhằm giúp các chủ thể có điều kiện phát triển sản phẩm hơn.

Theo ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh, chưa bàn đến yếu tố xuất khẩu, việc hình thành nên các chuỗi liên kết đang giúp sản phẩm OCOP có “uy tín” hơn trên thị trường, và mặc nhiên, thị trường dịp tết cũng giúp các sản phẩm này vươn xa.

Nghề làm mắm đang tất bật vào vụ tết

Cơ hội lớn

Khắp các nẻo đường dẫn về các làng nghề thời điểm này, người dân đang hối hả sản xuất những sản phẩm phục vụ thị trường tết. Từ những sản phẩm mộc mỹ nghệ, lưu niệm, đến các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản, tết là dịp thu nhập của người dân tăng lên bội phần, đặc biệt là sau thời gian đầy gian khó.

Bà Nguyễn Thị Lý (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bảo, nghề làm mắm các loại không chỉ nuôi sống gia đình bà hàng chục năm nay mà còn là cần câu cơm của hàng trăm hộ dân vùng biển này. Suốt một năm dài, họ trông chờ đến tết để có thể mua may bán đắt. Năm 2020, dịch bệnh, thiên tai khiến sản phẩm của bà Lý ứ đọng, việc sản xuất cũng cầm chừng bởi gặp khó trong khâu nguyên liệu và đầu ra. “Dịp tết này là cơ hội để chúng tôi kiếm thêm thu nhập. Đến thời điểm này, tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các đại lý trong tỉnh. Ngoài ra, còn có các đầu mối tiêu thụ ở Tây Nguyên. Để kịp cung ứng cho thị trường, tôi thuê thêm 3 lao động địa phương tăng cường sản xuất. Khi đã hình thành nên thương hiệu nước mắm Phú Thuận, chúng tôi phải làm thế nào gia tăng chất lượng, đặc biệt để phục vụ thị trường tết”, bà Lý chia sẻ.

Hiện nay, ngoài thị trường nội tỉnh, sản phẩm của người dân thông qua các kênh phân phối tiêu thụ khắp các tỉnh thành miền Trung-Tây Nguyên. Dù đang thiếu các sản phẩm để vươn tầm nhưng thông qua đường “xách tay”, ít nhiều thương hiệu từ bàn tay của người dân xứ Huế được bạn bè khắp nơi biết đến.

Ông Nguyễn Viết Nam mấy chục năm sản xuất sản phẩm hàng lưu niệm từ đệm bàng Phò Trach (xã Phong Bình, huyện Phong), không chỉ cải tiến sản phẩm, khâu mở rộng thị trường cũng được ông chú trọng. “Chưa thể xuất khẩu theo đường chính ngạch nhưng nhiều đơn hàng lớn từ các đối tác ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Nam... Đặc biệt, các đơn hàng từ các khách sạn sẽ là cầu nối đưa sản phẩm vươn xa ra thị trường quốc tế”, ông Nam cho biết.

“Ngoài các sản phẩm OCOP, mỹ nghệ, hàng lưu niệm. Dịp tết là lúc các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản tỉnh đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đặc biệt là chế biến thủy sản. Trên địa bàn tỉnh đang có trên 70 cơ sở chế biến thủy sản với quy mô 3.000 tấn/năm. Hiện nay, các cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp cần hướng đến việc xuất khẩu. Theo đó, cần phải đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, khâu thiết kế bao bì, nhãn mác, đồng thời chú trọng đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, rà soát nguyên liệu đầu vào, từ đó mới nâng tầm sản phẩm”, ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh chia sẻ.

Bài, ảnh: L.Thọ - V.Nhân