Các đại biểu tham dự hội nghị

Hội nghị nhằm quán triệt, triển khai kịp thời các quy định mới về quản lý, sử dụng pháo trước dịp Tết nguyên đán Tân Sửu cũng như phổ biến các quy định về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cán bộ, người dân nắm bắt, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được Quốc hội thông qua từ ngày 16/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

Luật được xác định là cơ chế pháp lý mới, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn, giải quyết tranh chấp. Việc thiết lập cơ chế này sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoàn toàn khác biệt với Luật Hòa giải ở cơ sở, phạm vi và đối tượng điều chỉnh khác nhau.

Nghị định 137 về quản lý và sử dụng pháo quy định về quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng pháo, thuốc pháo, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Việc ban hành Nghị định giúp người dân nhận thức đầy đủ các quy định; phân biệt rõ giữa “pháo nổ”, “pháo hoa nổ” và “pháo hoa”; loại pháo nào người dân được phép sử dụng và loại pháo nào nghiêm cấm người dân sử dụng...

Tin, ảnh: Hải Huế