Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết ông tin rằng một công ty không có quyền quyết định đóng một tài khoản của người dùng, ví dụ như trường hợp tài khoản Twitter của cựu Tổng thống Donald Trump. Thay vào đó, một “cơ chế” nên được tạo ra “trong đó có một khuôn khổ pháp lý với các quy tắc cho phép điều đó được thực hiện theo luật định.” Ông Guterres nhấn mạnh tại một cuộc họp báo: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể sống trong một thế giới mà quá nhiều quyền lực được trao cho số lượng nhỏ các công ty.”

Đầu tháng này, Twitter đã đóng tài khoản thuộc sở hữu của ông Trump trong gần 12 năm qua, chấm dứt tức thì mọi kết nối của ông với 89 triệu người theo dõi. Facebook và Instagram sau đó cũng đã khóa tài khoản của ông Trump.

Ông Guterres cho biết ông “đặc biệt lo lắng” về sức mạnh của các công ty truyền thông xã hội.

Ông chỉ ra rằng “khối lượng thông tin đang được thu thập về mỗi người trong chúng ta, sự thiếu kiểm soát đối với các dữ liệu liên quan đến bản thân, mà thực tế là dữ liệu đó có thể được sử dụng không chỉ cho mục đích thương mại để bán cho các công ty quảng cáo... mà còn để thay đổi hành vi của chúng ta, và những rủi ro của việc đó cũng được sử dụng theo quan điểm chính trị để kiểm soát công dân ở các quốc gia.”

Điều này “đòi hỏi một cuộc thảo luận nghiêm túc” và đó là một trong những mục tiêu của “Lộ trình hợp tác kỹ thuật số” của ông được đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái, với mục tiêu là thúc đẩy “một thế giới kỹ thuật số an toàn hơn, bình đẳng hơn”.

Lộ trình này kêu gọi thế giới hành động trong 8 lĩnh vực, trong đó có cả việc đạt được kết nối Internet toàn cầu vào năm 2030, “thúc đẩy lòng tin và an ninh trong môi trường kỹ thuật số” và “xây dựng một kiến ​​trúc hiệu quả hơn cho hợp tác kỹ thuật số”.

Anh Tuấn (Lược dịch từ CNA)