Vụ án “giết người” do Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử. Đau đớn, bàng hoàng bởi vụ án xảy ra sau lễ cưới chưa được bao lâu.

Bị cáo và bị hại từng yêu nhau trong thời gian một năm. Quá trình tìm hiểu nhau, cô gái tâm sự rằng, trước đây mình đã từng “lỡ dại” với một người đàn ông và phải bỏ thai. Nhưng chàng trai vẫn chấp nhận quá khứ của người yêu và cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Sau lễ cưới, cô gái về chung sống cùng chồng tại nhà của cha mẹ chồng. Hôm định mệnh đó, vợ nói với chồng là mình có hiện tượng mang thai (mặc dù cô biết chưa có). Chồng bảo vợ mua que thử để thử xem đã mang thai chưa. Vợ không làm theo và còn hỏi ngược lại: “Anh sợ đứa con không phải của anh à?”

Lúc này, người chồng nổi cơn ghen, “truy” cho đến cùng, đứa con mà lúc trước vợ bỏ là con của ai. Hai bên xảy ra cãi cọ. Trong cơn ghen và tức giận, người chồng đã bóp cổ vợ, đến lúc thấy vợ nằm im bất động, mới hoảng hốt. Thế nhưng tất cả đã quá muộn. Người chồng dùng dao để tự kết thúc cuộc sống của mình, thì được mẹ ruột và người thân trong gia đình phát hiện. Đôi vợ chồng “dại dột” được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng người vợ xấu số đã thiệt mạng trước đó. Người chồng sau khi ra viện liền bị bắt tạm giam để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Không biết bao nhiêu lần, bị cáo nói lời ân hận. Nhất là lúc biết hành vi vi phạm của mình đã tước đoạt mạng sống của người mà mình yêu thương. Nhưng có tột cùng ân hận thì cũng không thể nào cứu vãn được. Biết rằng có yêu mới ghen. Nhưng có ghen thì cũng phải biết chừng biết mực, để tránh làm rạn nứt, đổ vỡ hôn nhân. Đằng này, đã chấp nhận quá khứ của vợ thì còn “truy” lại làm gì, để đến nỗi gây ra tội ác. Bây giờ người thiệt mạng, kẻ tù tội.

Xem xét những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt…, áp dụng các quy định của pháp luật hình sự, hội đồng xét xử phạt bị cáo 15 năm tù.

Các thẩm phán TAND hai cấp cho biết, qua thực tiễn xét xử, rất nhiều vụ án đáng buồn mà “nguồn cơn” từ ghen tuông mù quáng, người trong cuộc không kiềm chế, làm chủ được hành vi. Đó là những vụ án hôn nhân & gia đình, vợ chồng đường ai nấy đi, con thơ phải chịu thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Đau lòng hơn là những vụ cố ý gây thương tích hoặc giết người, hậu quả nặng nề như vụ án nêu trên. Quá trình xét xử, tòa án luôn gửi “thông điệp” đến tất cả mọi người, phải biết kiềm chế bản thân, để tránh những vi phạm đáng tiếc, góp phần bảo vệ, xây dựng trật tự an toàn xã hội.

Quỳnh Anh