Đổi mới chương trình đào tạo, nâng chất lượng đội ngũ giảng dạy và cơ sở vật chất để thu hút đầu vào, giải quyết tốt đầu ra. Ảnh: CĐN
Xây dựng trường và ngành nghề trọng điểm
Thực hiện đề án "Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025", đến nay, toàn tỉnh có 35 cơ sở đào tạo nghề nghiệp; trong đó có 9 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 12 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN. Quy mô tuyển sinh hằng năm khoảng 2.500 sinh viên cao đẳng, 2.000 học viên trung cấp và khoảng 9.000 người học trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng về loại hình, ngành, nghề, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động; trong đó, Trường cao đẳng Du lịch Huế được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn vào danh sách để phát triển thành trường nghề chất lượng cao. Ngoài thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp từ khi các em tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, muốn tuyển sinh được học viên, các cơ sở GDNN đang chú trọng đào tạo ra những ngành nghề đáp ứng yêu cầu xã hội, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, khu vực hay quốc tế.
Hiện nay, hệ thống GDNN toàn tỉnh có 36 ngành nghề được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và 9 trường cao đẳng và trung cấp được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, ASEAN và quốc gia và đã hình thành và phát triển được một số cơ sở đặc thù để đào tạo cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và trường đào tạo các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao).
Đến nay, đội ngũ giáo viên trong hệ thống GDNN đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ đào tạo các ngành nghề có kỹ thuật cao và các ngành nghề mang tính mũi nhọn của tỉnh, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội như: du lịch, dệt may, cơ khí, dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, y tế...
Cơ sở vật chất, thiết bị, nhất là đối với các trường cao đẳng có các nghề trọng điểm đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, đảm bảo được chất lượng cho các khoá học nghề.
Đầu ra sau học nghề cũng là yếu tố khẳng định chất lượng trường nghề và tạo động lực thu hút học viên. Việc đầu tư, đổi mới các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo và trang thiết bị dạy nghề từng bước được các cơ sở tăng cường, góp phần nâng chất lượng đầu ra. Trung bình, có khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Một số nghề đào tạo ngắn hạn như may công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều tìm được việc làm ổn định.
Gắn kết "3 nhà"
Thực tiễn cho thấy sự đa dạng về công nghệ sản xuất tại các DN, cũng như kỹ năng, năng lực chịu áp lực trong sản xuất, tác phong công nghiệp, năng lực hợp tác trong công việc... của người học sau tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của DN.
Để giải quyết được khoảng cách này, giải pháp hợp lý và khả thi nhất vẫn là tạo được mối liên kết giữa "3 nhà": "Nhà nước- Nhà trường- Nhà đầu tư, DN". Nhiều hợp đồng đào tạo giữa nhà trường và DN đã được ký kết. Mức độ tham gia của DN vào quá trình đào tạo ngày càng sâu hơn. Từ việc chỉ tiếp nhận học sinh, sinh viên tới thực tập một cách hình thức thì nay đã bố trí cho người thực tập được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và được hưởng thù lao theo kết quả lao động đã đóng góp. Một số DN đã tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, hỗ trợ vật tư thực hành, cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn thực hành, phối hợp với nhà trường đánh giá tốt nghiệp và tuyển dụng học sinh ngay sau quá trình thực tập tại DN.
Hiện nay, hầu hết các trường, cơ sở GDNN đều đẩy mạnh liên kết đào tạo với DN. Trường cao đẳng Du lịch Huế đã ký kết hợp tác với hơn 35 DN trong nước và trên địa bàn tỉnh. Hay Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cũng đã liên kết với Công ty VINFAST và nhiều DN khác trong đào tạo và để các em đi thực tập. Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế trung bình mỗi năm tuyển sinh khoảng 400 học viên cũng đã liên kết với các DN ở KCN Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, Công ty Ô tô Trường Hải và một số DN ở TP. Hồ Chí Minh để thực hiện chính sách đào tạo và tuyển dụng sau khi học viên tốt nghiệp.
Điểm mới trong đào tạo ở các cơ sở GDNN gần đây là tăng thời gian học thực hành lên tối thiểu là 60% trên tổng thời gian toàn khóa học, trong đó có ít nhất là 40% học thực hành tại DN hoặc đưa DN vào đào tạo tại trường. Thực tế cho thấy, các DN ký kết hợp đồng đào tạo với các cơ sở GDNN hoặc tổ chức đào tạo nghề tại DN đáp ứng nhu cầu nhân lực cho DN. Một khi DN tham gia GDNN, gắn bó với các cơ sở GDNN thì sẽ đảm bảo đầu tư thiết bị dạy nghề hoặc thực hành trên thiết bị hiện đại của DN và đảm bảo đầu ra cho người học.
Thế mạnh nữa, đó là một số DN có đủ pháp lý và năng lực hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đã hợp tác với các trường trong việc tư vấn, tuyển dụng, đào tạo định hướng để giúp người học có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập ổn định.
Ngoài chủ động nâng chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề, chất lượng để "đón đầu" các dự án, vị trí việc làm từ phía các cơ sở GDNN, chính quyền địa phương cũng phải đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư và thu hút được các dự án lớn, bền vững để tạo ra nhiều việc làm, góp phần giải quyết đầu ra cho các trường nghề, tạo động lực thu hút ngày càng nhiều người học.
HOÀI THƯƠNG