Một sớm bình yên

Đang làm việc thì điện thoại reo. Số ai đây mà thấy lạ hoắc? Tôi tự hỏi và bấm máy. Đầu kia là tiếng cười giòn tan và giọng nói quen quen của một người ở nửa bên kia. “Đoán ra ai không?”. Lần này thì nhận ra rồi, ôi, em tôi của một thời thơ dại… Chả biết ai cho mà em tìm ra số của tôi thế này. Mà dễ cũng đã hơn hai chục năm rồi không liên lạc, chẳng tin tức. Trách gì…

Hẹn gặp nhau nơi quán cà phê quen, em cho hay em về hội trường, và cũng là để thăm Huế, mảnh đất mà em từng sống và theo học suốt gần chục năm trời. “Huế vẫn dễ thương và dường như đang đẹp hơn lên...” - Vừa nhẹ nhàng khuấy tách café đang bốc khói thơm lừng em vừa buông lời. Em bảo em vừa tranh thủ ghé chợ Đông Ba mua ít quà, khi ngang qua đường Trần Hưng Đạo thân quen một thuở, chợt thấy con đường này trở nên thoáng đãng và toát lên vẻ thân thiện rất dễ chịu. Phải nghĩ, phải lục lại ký ức, em mới phát hiện ấy là do cái hàng rào ngăn cách con đường với công viên dọc bờ sông Hương đã được phá bỏ tự bao giờ. Huế mình nghĩ ra và làm được cái việc ấy thiệt là thú vị- Em cười.

Đường gỗ lim mở thêm một không gian dễ thương, gắn kết cho đô thị Huế

Cuộc hàn huyên rồi cũng đến lúc phải dừng. Em phải đi để kịp giờ bay, trở lại với gia đình, với công việc thường nhật. Còn tôi, không hiểu vì sao đôi chân cứ thôi thúc lang thang một vòng rảo quanh các con đường phố Huế, những con đường mà tôi vẫn đi qua không biết bao nhiêu lần mỗi ngày. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà quá “quen mắt”, nên những đổi thay đã không gây được “chấn động” như đã xảy đến với người em ngày xưa cũ…

Phá bỏ hàng rào công viên bờ bắc sông Hương là chủ trương được TP Huế khởi xướng và thực hiện từ năm 2017. Với nếp sống khuôn phép và có phần khép kín của Huế, đó là một việc làm rất lạ và lập tức trở thành sự kiện được báo chí đưa tin rộn ràng. Người ủng hộ lắm mà người nghi ngờ, không tin vào sự thành công cũng nhiều. Nhưng công việc vẫn cứ vậy tiến hành. Và rồi, ai nấy đều ngỡ ngàng. Cái hàng rào lạnh lẽo, khô cứng biến mất đã đột nhiên làm “lộ” ra một không gian thoáng đãng, thân thiện đến dễ thương cho cả một khu đô thị ở bờ bắc sông Hương kéo từ cầu Trường Tiền cho đến Phú Xuân cầu “Mới”. Và đúng như lời của ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố lúc ấy, từ thí điểm ở bờ bắc, việc phá bỏ hàng rào lan qua bờ nam; không chỉ với công viên, mà cả công sở, thậm chí cả một số doanh nghiệp trên tuyến Lê Lợi như Khách sạn (KS) Silk Path Grand (Trước là KS Xanh), Đại học Huế, hay KS Park View (đường Ngô Quyền), nhà hàng Nam Giao Hoài Cổ (đường Điện Biên Phủ)… thấy hợp lý, dễ thương quá cũng hưởng ứng, thay hệ thống hàng rào nặng nề khô cứng cũ bằng những đoạn tường thấp kết hợp cây xanh, vừa tạo một ngăn cách mềm, vừa tăng nét duyên dáng, gọi mời của doanh nghiệp…

Không gian xanh bên bờ sông Hương

Thật ra thì khi chủ trương phá bỏ hàng rào được đưa ra, cũng đã có không ít ý kiến nghi ngờ cho là duy ý chí. Người ta cho rằng có hàng rào đó mà đôi khi còn chưa bảo vệ nổi, bây giờ phá bỏ thì an toàn, an ninh ai đảm bảo. Chỉ nói chuyện trộm cắp vặt thôi cũng đã nhức đầu. Nhưng cái hàng rào, như dân gian hay nói, “chỉ rào được người ngay chứ sao rào được kẻ gian”. Đã “gian” thì cho dù có rào, có khóa tầng tầng lớp lớp vẫn không giữ được. Còn đã “ngay” thì cần gì phải rào dậu cho phiền toái. Thế nên thành phố vẫn quyết tâm làm, và thời gian, dẫu chưa dài vẫn đã cho thấy đó là ý tưởng vô cùng hợp lý.

Tôi thả xe chầm chậm dọc bờ nam sông Hương, dẫu vẫn còn đôi chỗ hơi bừa bộn do công trình đài phun nước trước UBND tỉnh, một vài đoạn hè phố đang xây dựng dở,… nhưng đã có thể thấy cả không gian khoáng đạt, gần gũi và nên thơ đang hiện hữu trước mắt. Một con đường Lê Lợi thơ mộng, một hệ thống công viên, một tuyến phố đi bộ, một con sông xanh ngắt, huyền thoại như hòa quyện, như gắn kết đẹp đến nao lòng mà tôi chưa gặp ở bất cứ nơi nào mình đã đi qua. Không gian ấy rồi sẽ còn mở rộng, mải miết lên tận Nguyệt Biều, Long Thọ. Đối xứng ở phía bờ bắc, một không gian còn tuyệt vời hơn trải dài từ miệt Chi Lăng, qua Đông Ba, Trường Tiền lên tới Thiên Mụ. Nói tuyệt vời hơn bởi bên ấy, cái không gian gần gũi khoáng đạt còn gắn quyện với công viên Phu Văn Lâu, với Kỳ đài Huế, với thiêng liêng diệu vợi của thành quách rêu phong đã đóng dấu ấn vào danh mục di sản loài người…

Những hàng rào đang mất đi, và những không gian quá đỗi bình an, thân thiện đang khai mở. Chợt lóe lên một liên tưởng vui vui, phải chăng Huế quê tôi đang mơ giấc mơ “của rơi không người nhặt, đêm ngủ cửa không đóng…”?- Đó là giấc mơ của bình an và hưng thịnh. Vẫn biết sẽ không hề dễ dàng, nhưng ít nhất phải biết mơ thì những bước chân mới khởi đi. Và những đổi thay từng ngày của đô thị được chỉnh trang; sự vươn lên đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin; sự tỏa lan mạnh mẽ của “Ngày Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần”; sự chuyển động mạnh mẽ và thấm đẫm nhân văn của cuộc di dân lịch sử ở khu vực I Kinh thành Huế… Phải chăng là những chuyển động, những bước đi đầy tự tin để giấc mơ của Huế tôi sớm thành hiện hữu…

Bài: Hiền An

Ảnh: Hiền An - Trung Phan