Những khoảng xanh trong lòng thành phố

Lâu lắm rồi tôi đã tủi thân, nghẹn đắng lòng khi anh nói “Huế em đẹp mà nghèo quá”. Ấy là lúc tôi vừa rời giảng đường đại học, trẻ trung phơi phới. Tôi yêu Huế của tôi, tôi chỉ thấy có chút thiếu thốn nhưng đâu đến nỗi “nghèo” như anh nói, bạn bè tôi vẫn sống mạnh mẽ, yêu đời, tinh nghịch đó thôi. Câu nói thiệt thà của anh làm tuổi thanh xuân trong tôi bị tổn thương nghiêm trọng. Và quê hương Huế đã nâng đỡ tôi. Những cánh cổng cổ trên những con đường lên Kim Long, về Vỹ Dạ làm dịu lòng tôi. Đạp xe trong chiều, thả tóc bay trong gió và những muộn phiền cũng trôi nhanh. Hồi ấy, tôi chưa biết sức mạnh chữa lành tổn thương của thiên nhiên mà “kho thuốc” này Huế là một nguồn vô tận, thiên nhiên tràn ngập dưới mỗi mái nhà, mỗi khu vườn, mỗi con đường và cả trong mắt người.

Tôi nhớ mình đọc đâu đó, đại ý chỉ cần một trăm năm là có một thành phố hiện đại, nhưng phải cần một ngàn năm mới có một thành phố văn hóa. Chỉ có văn hóa mới đủ sức để đặt các quốc gia ngang tầm với nhau. Một tà áo dài của giáo sư Trần Văn Khê và tiếng đàn của ông đã đủ sức nặng đặt Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc trong câu chuyện văn hóa Nhã nhạc triều Nguyễn là một ví dụ. Và còn rất nhiều câu chuyện văn hóa tầm quốc tế như thế ở Huế.

Những gì mà thế giới đang đánh mất và cũng đang ráo riết bảo vệ, kể cả từ những nước giàu mạnh về kinh tế, là môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa. Từ biển, rừng, không khí, cả những gì nằm sâu dưới lòng đất và nếp sống thiện lành ngày càng bị xâm thực nặng nề. Những lựa chọn của Huế, chấp nhận thiệt thòi về kinh tế để bảo vệ môi trường là câu trả lời minh triết và đang ngày càng chứng minh là Huế đúng đắn. Huế đã và đang giàu có về cái mà thế giới đang mất, đang bảo vệ. Nhớ nửa đêm mà bạn từ Sài Gòn điện về mừng rỡ “Này, tui nghe ôn chủ tịch tỉnh mình từ chối dự án nhiệt điện than há. Hoan hô ôn Chủ tịch. Huế mình may quá!”. Tui cắc cớ với bạn “Mừng thì chịu nghèo hí!”, tiếng bạn nhanh như chớp “Không cần giàu kiểu phá môi trường. Huế mình giàu xanh, giàu sạch cho con cháu mai sau nữa, giàu cho thế giới nữa”.

Huế mình vẫn trong lành, Huế mình giàu những khoảng xanh trong thành phố, lặng lẽ cân bằng nội tâm con người sau guồng quay của cuộc mưu sinh. Tôi đã ghi vào ký ức của mình khuôn hình đẹp những buổi sinh hoạt chung, tiếng đàn hát, tiếng cười trong trẻo của những cô bé cậu bé trên cầu gỗ đi bộ bờ sông Hương, trên bãi cỏ xanh ở các công viên. Những không gian xanh công cộng mà chất lượng và vẻ đẹp “không thua chi ở nước ngoài”- lời một người bạn Hà Nội khẳng định chắc nịch khi tôi dẫn bạn đi bộ ở con đường cổ tích rừng trong phố dọc hai bờ sông Hương. Và khi tôi tự hào “Huế đang xây dựng tiếp con đường đi bộ này lên đến chùa Thiên Mụ, trồng cây xanh tạo một con đường rừng trong phố với những loài hoa đủ màu, vàng, tím và cả cây lá đỏ như cây lá phong bên châu Âu”, bạn đã nhảy lên ngạc nhiên và thán phục “Huế bạn chơi sang trọng quá, văn minh quá, Huế bạn quá giàu!”.

Ôi, bạn bè thân phải hiểu nhau như thế chứ, tôi yêu nhất bạn mình câu đó vì đã nói đúng về Huế của tôi. Huế tôi rất giàu, khó có thành phố trẻ nào theo kịp được. Huế có những tầng giá trị về văn hóa, địa linh, nhân kiệt mà những thành phố khác muốn cũng không có được. Chỉ cần một buổi trú mưa dưới một chiếc cổng có mái che của nhà ai đó bên đường là sẽ có một câu chuyện về nếp sống nhân văn của người Huế, làm cổng có mái che để lỡ độ người đi đường khi cơn mưa rào, nắng gắt. Chỉ cần lạc vào một chiếc cổng phủ, đệ là có ngay một câu chuyện hấp dẫn về những ông hoàng, bà chúa hay thơ, hay chữ và sống tiết nghĩa, đạo hạnh. Có thể nói, mở một cánh cổng từ nhà bình dân đến nhà hoàng tộc ở Huế là bước vào một thế giới của Huế bình yên, đó là những giá trị văn hóa mà mà các thành phố du lịch nổi riếng thế giới hiện nay đang nâng niu, gìn giữ. Đó là những giá trị mà lịch sử ban tặng cho Cố đô. Huế của một thời vàng son lộng lẫy và bây giờ vẫn vàng son lộng lẫy trong du lịch, trong nếp sống. Nếu cần kinh doanh thì đó là thương hiệu của Huế. Tôi mơ Huế của mình giàu dưới thương hiệu ấy.

Những bức tường đóng kín không thể tiếp đủ dưỡng khí cho những tâm hồn rộng mở, nhiều mơ mộng và tưởng tượng - các yếu tố rất cần cho sáng tạo, phát triển nhân cách. Huế của tôi đã chọn làm giàu bền vững, nâng niu thiên nhiên và dựa vào thiên nhiên để sống. Huế nhỏ nhưng trong Huế luôn có những góc không gian riêng tư cho mỗi người như hình ảnh một bác lớn tuổi dựng chiếc xe đạp trong công viên, thảnh thơi mở tờ báo ra đọc, lắng nghe tiếng nước sông Hương chảy chậm dưới chân cầu Phú Xuân. Tôi đã nhìn thấy những cánh rừng ngập mặn ở Rú Chá, Tam Giang lên xanh, con cá, con tôm từ biển theo vào vùng đầm phá sinh sôi, nảy nở. Tôi thấy nụ cười an cư lạc nghiệp của bà con làng Rồng (Thuận An), của bác Nguyễn Nhân, của anh Nguyễn Sự (Quảng Lợi - Quảng Điền) khi đưa chúng tôi đi thăm phá Tam Giang, đi chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh, giọt nước mắt hạnh phúc của bà con Thượng Thành khi về nơi ở mới. Cuộc sống no ấm và môi trường thiên nhiên trong lành, đó là một chuẩn giàu mới. Trong máy ảnh của mình, tôi đã lưu rất nhiều cảnh đẹp về bình minh và hoàng hôn trên phá Tam Giang. Tôi mong sớm được mời dự đám cưới của Sự với cảnh rước dâu bằng thuyền trên phá và Sự có một người vợ như tiêu chuẩn của cậu “Ai yêu Tam Giang thì em lấy người ấy làm vợ, chỉ một tiêu chuẩn đó thôi chị ạ”.

Tôi vẫn còn nhiều lời hẹn lắm để đi, thấy cho hết Huế mình giàu có cỡ nào, như lời hẹn về Hà Cảng chụp ảnh cùng vườn hoa cải vàng của chú Tửu vào dịp Tết này: “Chú trồng cải để có hoa vàng cho mấy cháu về chụp ảnh, chú miễn phí không lấy tiền các cháu làm chi. Làng Hà Cảng đẹp là chú vui rồi”. Chú Tửu - người nông dân một nắng hai sương thả nụ cười bay trong gió đồng Hà Cảng nhẹ thênh như thế. Người Huế mình sống giàu có muôn kiểu như thế đó.

Tết này bạn bè lại ghé thăm nhau, tôi sẽ nói với bạn “Huế mình không nghèo mô, Huế mình giàu có lắm, bạn có biết không”, nhưng bạn đã nhắn “Tụi mình hạnh phúc khi được sinh ra ở Huế, sống ở Huế hí!”

Bài: Diệu Hà

Ảnh: Châu Khuê