Hương xuân

Tôi ngồi với Minh ở quán cà phê Tự Do đường Lê Quý Đôn, sát cổng sân vận động Tự Do. Minh nói tuổi thơ em gắn với nơi này, hồi còn con nít, có đá banh là tụi em tới, tụt từ trên sàn ngồi xuống sân, mông quần nát bét. Sân vận động Tự Do là sân bóng duy nhất Việt Nam được Pháp làm có lòng chảo để đua xe đạp. Tụi con nít khoái mảng bê tông nghiêng ở sân, biến thành cầu trượt, trượt tưng bừng. Giờ nó còn nguyên đó.

Hết sức bất ngờ khi Minh chỉ tay qua bên kia đường, chếch một chút, rằng quán mụ Chư đó. Ký ức ùa về, mà khi tôi điện thoại nhắc thì anh Kim Hải lớp Văn K12 nhớ lại, là làm chi xị rượu 1.000 đồng, chỉ 500 đồng thôi; dĩa mồi từ 1.000-2.000 đồng. Hồi đó, đứa nào muốn mau say thì xuống quán mụ Chư. Rượu chi mà kinh, uống vô vài ly là thấy choáng váng liền. Mồi thì tạp pín lù. Sinh viên làm chi có tiền, chỉ nuốt toàn xương xẩu ba xàm.

Nhìn quán, tôi nhớ bè bạn vô cùng. Làm sao níu được thời gian, khi mọi thứ như thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi”, thì huống chi đất đai cây cỏ đường sá nhà cửa trong cuộc hoán đổi hàng ngày như thác lũ, như cái quán lụp xụp ngày trước, mà chừ đã là căn nhà 3 tầng, dù mụ Chư còn đó. Ở đâu cũng vậy, mà hình như ở Huế, biết là vậy, nhưng dùng dằng không thể…

Không ai bây giờ chống bão bằng lều cỏ, chẳng ai học bài bằng đom đóm, đó chẳng qua là gửi gắm ước mơ đi xa. Người ta cần còn một điều khác hơn, căn cốt hơn, và với tôi, khi nhớ lại Huế sau những chuyến đi, là câu chuyện không nằm trong mơ ước đó. Có nói gì đi nữa, con người cũng không thoát được lẽ âm dương. Vì tất cả như đã nói, không thoát khỏi vòng trời đất, mà con người là đứng giữa. Vậy thì, tiếng chuông trong lòng ta, mới là bài kinh khả nghiệm nhất.

Tôi nghĩ dài dòng chút như thế, khi nhìn Huế nghiêng. Mọi thứ không đứng yên, thì sao bắt Huế phải dừng, khi mưa nắng cũng đã khác. Đó là lẽ thường tình. Đứng lại là tụt hậu, là già nua... Nhưng, chỉ có Huế thôi, khi người đến, người ở, người đi, thử ai đó có trách nhiệm đưa ra một điều tra xã hội học về tâm cảm Huế với ngân hàng câu hỏi cho thật sát sườn, xoáy vào bản chất vấn đề, rằng anh chị muốn gì ở Huế? Ngồi ở quán cà phê Tuyết trên đường Nguyễn Tường Tộ, một người bạn Huế của tôi nói, cây mai phương Nam ra đến Huế, nếu trụ được với thời tiết khắc nghiệt này, sẽ tỏa hương dịu nhẹ, chứ mai ở miền Nam trổ như lá thu rụng, lóa luôn màu mắt, có nghe mùi được đâu.

Hàng long não bao năm ở đây còn nguyên, không đổ gãy mưa bão... Chịu được ở đây là thích ứng, nhưng đó là tự thân nó và sự nâng niu của người trồng chứ có thần thánh nào ép được nó đâu. Có những thứ xưa cũ không biến mất, những cái mới bị ném đá tơi bời nhưng nó vẫn tồn tại và được chấp nhận, bởi đó là những giá trị nằm trong hệ giá trị biết trân trọng cảm xúc con người. Một viên gạch xám vỡ, một tàng cây đã già, một tiếng rao sáng sắp tắt, đều chất chứa một giá trị mà từ đó, nếu biết đọc từ lời khuyên của đất để nuôi mình lớn lên, vươn xa mà không đánh mất đi. Tôi vẫn không nghĩ Huế già. Thành quách triệu năm nữa, cũng vậy. Già hay trẻ, ở trong suy nghĩ của con người. Tạo lập làm sao một không gian sống sinh thành những quyến luyến như một lằn ranh giữa cũ-mới, mất-còn, để khi tiếng chuông mấy ngàn ngôi chùa Huế sáng sớm khởi đánh như giọt thiền rơi trong sa mù, lòng người bừng tỉnh trong cơn mưa an lạc khi vẫn đang phi mã quay cuồng giữa thế giới của smartphone.

Tôi nghĩ và nhìn bạn bè trầm ngâm trong mưa, già hết rồi, chỉ có tiếng cười còn nguyên đó. Hơn bất kỳ nơi đâu ở dải đất này, Huế là nơi con người ta dễ thắp ngọn đèn trong tâm mà đi, bởi người ở đây được tắm trong cuộc đối thoại không dứt với cây cỏ và lẽ huyền nhiệm. Tôi cũng học nói theo người xưa, rằng, ra đi và trở về, không nằm ở đôi chân, trú quán, mà ở đôi mắt phóng chiếu chỗ ta ngồi, cái cây ta nương nắng, mái hiên ta trú mưa. Giọng một bạn quen nhẹ nhàng trong cuộc rượu, rằng người quét đường cũng là thiền sư mà. Ừ, nẻo bình yên chỗ nào cũng có thể đóng dấu giấc mơ có thiệt, nếu người ta bỏ qua những điều không phải Huế cần và thêm vào những thứ Huế thiếu, từ đó hy vọng thiết lập một không gian sống để dù có biến cải cỡ chi đi nữa, ta vẫn đọc được trong sâu thẳm một Huế không lẫn lộn vào đâu. Chiếc áo đã khác, nhưng nhựa sống của cây thì không mất. Đó là giấc mơ mùa xuân Huế. Mà muốn làm điều đó, cần nỗ lực đòi hỏi và bứt phá…

Bài: Lê Trung Việt

Ảnh: Ngọc Lục Bảo