Trưa 3/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Ban  Đầu tư và  xây dựng Giao thông (Sở Giao thông Vận tải) hoàn tất việc dựng lại tấm bia Đông Gia Kiều bên cầu Đông Ba.


Tấm bia lịch sử Đông Gia Kiều đã được dựng lại

Trước đó, trong quá trình hạ giải cầu Đông Ba cũ và xây dựng lại cây cầu mới nối đường Đào Duy Từ - Nguyễn Chí Thanh, tấm bia Đông Gia Kiều bằng đá nằm cạnh cầu Đông Ba cũ đã được dời khỏi vị trí.

Tấm bia là hiện vật có giá trị, gắn liền với lịch sử xây dựng cầu Đông Ba nói riêng và Kinh thành Huế nói chung do triều Nguyễn chính thức đặt tên và dựng từ năm 1841.

Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, bên trái tấm bia “Đông Gia kiều” (cầu Đông Gia) có dòng chữ “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt cát nhật tạo” (cầu được làm vào một ngày tốt tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị nguyên niên).  

Liên quan đến tấm bia này, năm 1892 dưới thời vua Thành Thái, cầu Đông Ba từ cầu gỗ làm lại bằng cầu sắt. Nguyên trước đây bia “Đông Gia Kiều” dựng phía đầu cầu (như những chiếc cầu gỗ được dựng ở Huế) gần bờ sông. Và sau khi làm cầu sắt, bia “Đông Gia Kiều” được dựng trên mố cầu để lưu lại dấu tích, chứng tỏ tiền nhân rất có ý thức về bảo tồn di sản.

Đồng Văn