Lớp chúng tôi có tầm 50 người, dù quê ở Huế nhưng bây giờ số người ở lại quê chỉ 1/10, còn lại đa số đi làm ăn xa nhưng chủ yếu là ở các tỉnh thành phía Nam. Đã hơn 20 năm kể từ ngày ra trường, chúng tôi chưa có buổi họp lớp nào đầy đủ. Đợt kỷ niệm đúng 20 năm ra trường dịp hè 2020 cũng phải hoãn do COVID-19. Các bạn hẹn gặp nhau tết này để một công được đôi việc: Vừa thăm quê, vừa gặp bạn. Nhưng lần này,  chúng tôi đành tiếp tục lỡ hẹn ...

Tất nhiên có nhiều bạn cũng về quê bằng nhiều cách khác nhau. Có bạn chọn phương tiện cá nhân, bạn đi máy bay, người đi tàu hoả... nhưng chúng tôi sẽ không tụ tập, thay vào đó là gặp nhau "online", đợi lúc nào dịch tạm lắng lại bàn kế hoạch họp lớp.

Rõ là ai cũng có chút tiếc nuối, nhưng phòng chống dịch vẫn là hàng đầu. Một bạn phân tích, nếu không may có ai đó là F thì cả lớp sẽ cách ly, kéo theo không biết bao nhiêu phiền toái. Nếu thế, tại sao chúng ta không hoãn để an toàn. "Mà kể cả không có ai là F thì liệu chúng ta có đủ tự tin, an tâm để đi họp lớp. Đó là chưa nói chúng ta đa phần là cán bộ, công chức..., nên phải chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước", bạn nói.

Những người trong nhóm kín của ban tổ chức đều thả biểu tượng "like" (thích) với phân tích trên. Mình thì nói, không chỉ cán bộ, công chức mà với cả người dân cũng cần chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch. Cuộc chiến với dịch bệnh này nếu không có sự đồng lòng, chung sức từ phía người dân sẽ khó thắng lợi. Rồi mình động viên các bạn, hai đợt dịch trước, chúng ta đã làm rất quyết liệt công tác khoanh vùng, dập dịch. Nhờ vậy, Việt Nam đã thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch. Lần này cũng vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quyết tâm dập dịch trong vòng 10 ngày, tức là trước Tết Nguyên đán. Thế nên, chúng ta hoàn toàn có niềm tin về sự thắng lợi tiếp theo trong cuộc chiến này. Vấn đề còn lại là mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch, thực hiện "5K"...

Khi đã nhận được sự thống nhất của ban tổ chức, tôi gập màn hình laptop lại rồi ra phố để tận hưởng ngày cuối tuần tạnh ráo. Chợt nhớ có người bạn vừa khai trương quán cà phê nên ghé qua ủng hộ. Vợ chồng bạn niềm nở lắm. Dù lâu ngày gặp nhưng bạn không bắt tay, bảo làm thế để chống dịch. Chúng tôi ngồi cách một quãng không phải vì hết chỗ, nhưng như lời bạn là để đảm bảo khoảng cách an toàn.

Ấn tượng bởi ý thức phòng chống dịch của bạn, tôi quan sát thấy xung quanh mình bàn ghế được bố trí có khoảng cách phù hợp, dù biết làm thế sẽ mất một phần diện tích nhưng bạn bảo kể cả khi Huế chưa có dịch vẫn phải phòng ngừa. Rồi nhân viên tất cả đều đeo khẩu trang. Người trông xe cũng thế. Thảo nào quán luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Tôi buông câu khen dù nghe có vẻ thừa thãi khi mà cô chủ chăm bẵm từ chai nước sát khuẩn đến cái tách trà tinh tươm...

Rời quán cà phê, chiều ý con, chúng tôi đi siêu thị. Ở chốn đông người tôi dặn con luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách. Ngạc nhiên là bọn chúng bảo mẹ không cần nhắc. Bởi chúng đã tự ý thức trước khi ra khỏi nhà. Và điều đó không chỉ ở lũ trẻ nhà tôi mà đã trở thành thói quen, ý thức của đại bộ bận người dân Huế khi ra đường, đến nơi đông người... Đó cũng là một trong những biện pháp giúp Huế làm tốt công tác phòng chống dịch cùng với nỗ lực của chính quyền, các ban ngành...

Hồng Tâm