Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật giúp họ chủ động đảm bảo cuộc sống, an sinh bền vững

Nâng chất lượng cuộc sống

 Minh chứng rõ nét nhất trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế chính là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh sau 5 năm từ 8,36% xuống còn 3,43% cuối năm 2020. Đối tượng yếu thế luôn được quan tâm, chăm lo về sức khỏe, cải thiện điều kiện sống, cứu trợ xã hội để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Những đối tượng yếu thế từ người già đến trẻ em không nơi nương tựa, khuyết tật, tâm thần hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nếu không được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 24 cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) tập trung trên địa bàn thì vẫn đang được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Nhà nước, đảm bảo được hưởng phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.

Hiện nay, toàn tỉnh có 58.848 người đang hưởng chế độ TGXH tại cộng đồng, chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh; hơn 1.470 đối tượng TGXH đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở TGXH trên địa bàn tỉnh; khoảng 24.300 hộ nghèo, cận nghèo và gần 18.500 người có công.

Hàng tháng, Nhà nước chi trợ cấp xã hội cho hơn 58.800 đối tượng TGXH với kinh phí khoảng 21,5 tỷ đồng/tháng; trợ cấp cho gần 18.500 người có công khoảng 29,6 tỷ đồng/tháng. Hằng năm giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động; đóng, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho hơn 500.000 người và tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ dân thuộc các đối tượng quy định được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, trong năm 2020, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kịp thời cho 167.645 đối tượng yếu thế với tổng kinh phí 173,8 tỷ đồng để khắc phục một phần khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Ngoài nguồn tài chính phục vụ cho công tác an sinh xã hội được trích từ ngân sách Nhà nước, tỉnh luôn đẩy mạnh và phát huy sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân, cộng đồng xã hội cũng như các nguồn từ tổ chức ngoài nước... thông qua các kênh lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và dùng để trực tiếp hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế.

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo đều đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống của người yếu thế. Trong đó phải kể đến nhiều chương trình, lĩnh vực về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tín dụng, dạy nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cải thiện cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục... Qua đó góp phần giải quyết toàn diện trên các lĩnh vực để cải thiện các chỉ số thiếu hụt về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Phát huy nội lực và ngoại lực

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trong tất cả trách nhiệm của chúng ta đối với Nhân dân, giảm nghèo và đảm bảo an sinh là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Đây là một định hướng xã hội chủ nghĩa quan trọng của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với những đối tượng yếu thế. Ngoài thực hiện các giải pháp tăng hiệu quả công tác TGXH, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm đối với người yếu thế được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Kể cả những khi gặp rủi ro, thiên tai, dịch bệnh..., cộng đồng xã hội đã cùng tham gia hỗ trợ đột xuất, kịp thời cho người dân.

Để đảm bảo an sinh bền vững, ngay chính nội lực mỗi người cũng phải có ý thức tự thân vận động, ý chí tự lực vươn lên. Tất nhiên, đối với những người đã gọi là đối tượng yếu thế, muốn phát huy nội lực còn cần sự tác động, hỗ trợ về chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc giáo dục, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất... Với người yếu thế, ngoài hạn chế về trình độ học vấn, sức khỏe, họ còn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu thông tin, kiến thức... Vì thế việc xây dựng một số chính sách đặc thù của địa phương trong hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ là cơ hội để người yếu thế đang sinh sống ở những "vùng yếu thế", nơi khó khăn tham gia phát triển kinh tế, hoà nhập, giảm gánh nặng cho xã hội.

Điều đáng mừng là, nhiều người nghèo, người yếu thế có khả năng lao động hay đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng đầm phá, ven biển... đã biết tận dụng các chương trình hưởng lợi để phát triển kinh tế, biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để tăng gia, đổi mới sản xuất kinh doanh, vươn lên ổn định thu nhập, chủ động trong cuộc sống.

Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm, đời sống người dân trên địa bàn tăng trưởng khá, thu nhập bình quân người/tháng năm sau cao hơn năm trước; trong đó, nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 1,3-1,5 lần so với đầu giai đoạn.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG