1. Màu bông vạn thọ là màu của tết quê và tết cũ. Cứ vào đầu tháng Chạp thì bông vạn thọ bắt đầu hé nụ. Chừng sau rằm tháng Chạp, bông vạn thọ nở rộ và là vừa kịp cho tết.

Ở quê gọi thọ màu cam là thọ đỏ, màu mỡ gà là thọ trắng và tất nhiên là có thọ vàng nữa. Quê tôi trồng nhiều nhất vẫn là thọ đỏ, có nhà trồng cả chục vồng để bán tết. Hồi đó, có nhiều gia đình nhà tranh vách đất nhưng tết đến cũng có một hai sọt bông thọ nở thênh thang chưng trước hiên nhà. Gọi là sọt bông thọ bởi vì thọ trồng trên đất, đến khi giáp tết mới bứng vô trong những cái sọt được đan bằng tre đưa vô nhà chưng. Còn những nhà trồng nhiều bông thì gánh những chiếc sọt bông thọ đỏ, trắng, vàng đi chợ  bán…

Bông vạn thọ dân dã đã sưởi ấm người nghèo thôn quê đón tết. Rồi bông thọ cứ nở âm thầm sắc hương như thế từ Chạp qua Giêng để cùng người chứng kiến những khoảnh khắc vui vầy của những ngày xuân.

Bạn tôi ở xa quê nhắc hoài những gánh bông vạn thọ theo đò qua sông, đến với những người dân sông nước đón tết trên đò. Bạn cũng nhắc chuyện tuổi thơ kết từng chùm bông thọ chơi trò đá kiệu. Đó là sau khi hoàn thành sứ mệnh cho mọi nhà đón tết, những cánh vạn thọ đỏ, trắng, vàng nhỏ li ti từ đôi chân xinh xinh, gót chân hồng hồng của cô bạn nhỏ cùng lớp bay lên trong nắng xuân có khi trôi về lung linh trong giấc mơ của bạn những ngày cuối năm khi đó đây đã chộn rộn về một cái tết đang về…

2. Rồi một buổi chiều nào đó, ngọn gió bấc lành lạnh thổi về đủ để người ta nhớ rằng cần được sưởi ấm và ai đó bâng khuâng thì ví von rằng trời như tết. Thì như mấy ngày này trời đang tết đó thôi, khi sau một đợt lạnh mưa dài lê thê, trời tỏa những cơn nắng nhỏ, cái lạnh cũng chỉ se sẻ đủ để khoác thêm một lớp áo khoác... Có một cuộc tranh luận về chuyện giữ và bỏ tết trên mạng xã hội mà cứ dịp cuối năm thì cứ nghe loáng thoáng đâu đó. Chẳng ai chịu ai, nhưng xem chừng số người yêu tết thì quá áp đảo. Tôi chẳng quan tâm làm chi câu chuyện đó. Bởi với tôi, ngọn gió hiu hiu tháng Chạp thổi về để hoa lá tươi màu nói hộ lòng tôi rồi... Tôi là một người yêu tết!

3. Tôi đang ngóng đến những chiều ngày hăm của tết, để ghé coi mấy cây hoàng mai của ông Bằng, một người quen của tôi. Ông Bằng quê Nam Định, đi bộ đội đến Huế thì hòa bình, làm rể Huế và yêu mai Huế từ mùa xuân đầu tiên bên sông Hương. Mấy năm nay, cứ hai mươi tháng Chạp là ông chở mai ra ngã ba đầu cầu Dã Viên để bán và cho thuê. Cứ thư thả là tôi ghé lại chơi với ông và nhìn ngắm mấy chậu hoàng mai, uống trà Thái Nguyên rồi nói chuyện cây chuyện cỏ, nhìn thiên hạ xôn xao tấp nập những ngày cuối năm mà thấy lòng chộn rộn...

Rồi tôi sẽ chạy xe qua cầu Dã Viên xem chợ hoa xuân Huế trước Đại Nội. Tôi vẫn thích thú làm sao khi gặp một anh chàng vác một cành mai đi dọc đường hoa rao bán... Những khoảnh khắc giáp tết bao giờ cũng làm lòng người cảm thấy bình yên!

Phi Tân