Định Phúc Táo quân trên tranh gương Huế.  Ảnh: Tâm Hạnh

Từ câu chuyện hai Ông một Bà, người Việt đã viết nên câu chuyện đẹp trong đời sống tình cảm vợ chồng trước bao tác động nghiệt ngã của xã hội, có trước có sau, ứng xử linh hoạt, nhân văn và từ kết cục đau thương tột cùng, cả ba đã chuyển hóa qua một dạng “vũ môn” để trở thành một biểu tượng Ông Táo. Từ số đông hai ông, người ta đã định danh Ông Táo dù rằng ở bếp, Bà là trung tâm, “bổn mạng” của cả gia đình.

Ở Kinh đô Huế, ảnh hưởng mạnh mẽ của triều đình Nho giáo đến đời sống người dân là điều chắc chắn. Vấn đề đạo hiếu, tổ tiên và thờ cúng tổ tiên trở thành tín ngưỡng cao cả, được nâng lên thành Đạo: Đạo thờ cúng tổ tiên.Theo đó, “đại bất hiếu” thứ hai và thứ ba cần chú trọng là con cháu không được làm cho gia môn bất hạnh khi bị người khác chê cười (tinh thần) và gia môn đói rách (vật chất). Tổ tiên bao gồm người đã khuất nên con cháu chăm lo thờ cúng, lăng mộ, giỗ chạp và ông bà, cha mẹ đang sống - phải chăm lo phụng dưỡng). Chức năng hương hỏa tối quan trọng, là sợi dây, trụ cột nối kết mọi thành viên, mọi không gian, mọi thế giới trong gia đình, để tạo nên phong khí đặc trưng, giúp mở rộng ra, nối kết gia đình - xã hội, tạo nên nền tảng bền chặt.

Trong không gian nhà vườn, bình phong có chức năng trấn trừ năng lượng xấu từ ngoài vào, tiếp nhận năng lượng tốt trên xuống, để chuyển hóa vào khu trung tâm có bàn thờ gia tiên với một trục ngang: Bát hương - bài vị trên bàn thờ gia tiên gắn liền người đàn ông và bếp lửa - trang bếp ở nhà dưới của người phụ nữ. Bát hương - bếp lửa có sự phân định chi tiết bởi định chế hương hỏa, tạo nguồn lực vĩnh cửu nối kết mọi thành viên gia đình. Bếp với trang bếp chủ đạo, Táo quân có vai trò thường trực quan sát, giám sát “nhất cử nhất động” của gia đình, người phụ nữ đảm đương việc gia chánh, thường xuyên đỏ lửa để lo mâm cỗ dâng cúng tổ tiên và mâm cơm cho sinh hoạt gia đình. Trong ấm ngoài êm, là từ yếu tố bổn mạng của Táo quân trên Trang bếp.

Suốt năm, Táo quân quan sát, ghi chép mọi việc toàn gia để đến khuya 22 tháng Chạp, sẽ mang theo toàn bộ sổ sách, được Cá Chép giúp thăng thiên báo cáo trước Thiên đình, giúp gia môn chấn chỉnh những khiếm khuyết, khích lệ những điều thiện lành theo một dạng thức “cá chép vượt vũ môn”.Gia đình sắm sửa lễ vật, nhất là các món ăn, bánh trái, hương hoa, cả cá chép... để cúng đưa ông Táo, chuẩn bị bộ ông Táo mới cùng gương lược, nước hoa cho Bà. Riêng với người Huế, còn phải có hai cành hoa giấy Thanh Tiên, như là một phẩm vật đặc biệt chỉ xuất hiện trên trang Bếp, trang Bà. Trong hành trình lên Thiên đình báo cáo khoảng một tuần, Táo quân phải trở lại gia đình trước lúc Giao thừa, để tiếp tục làm việc như thường lệ, với một cuốn sổ mới.

Sau khi Táo quân về Trời báo cáo gia đạo trong năm, gia đình người Huế mới được dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa, thay bát nhang và chuẩn bị phẩm vật để cúng tế, sinh hoạt trong những ngày Tết. Trong khoảng thời gian này, linh hồn Táo quân đã theo cá Chép thăng thiên, còn bộ Ông Núc đất nung chỉ là cái xác không hồn và người ta sau khi lễ tất, thắp hương và đưa Ông ra “gửi” ở những nơi tự miếu, cổ thụ thiêng liêng.

Táo quân trên thành cầu Kho Rèn

Chính vì vậy mà ở thành phố Huế, từ rạng sáng ngày 23 tháng Chạp, có thể thấy nơi nơi, người ta tha hồ nghinh Ông Táo đất nung ra gửi, nhất là ở những chốn tự miếu, ngã ba đường, hai bên thành những cây cầu đẹp đẽ nên thơ... Từ một sản phẩm thủ công độc đáo của làng Địa Linh, của xóm Ngõa Tượng nổi tiếng xứ Kinh kỳ, một biểu tượng thiêng liêng trong gia đình người Việt gắn liền Bếp và người phụ nữ, sau khi linh hồn các Táo thăng thiên thì phần xác ở lại được bày la liệt khắp nơi, đưa lại những hình ảnh ngổn ngang, làm mất mỹ quan và gây bao vất vả khó nhọc cho anh em công nhân Công ty Môi trường đô thị Huế.

“Có tin có thiêng, có kiêng có lành”, ý thức tự giác gắn liền lòng thành tận tâm khảm mỗi một con dân Huế là nền tảng thuận lợi cho việc tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tinh hoa trong đời sống xã hội hiện đại. Nhờ đó, thành phố vườn sẽ càng thêm xanh, thêm sắc và thêm đẹp. Ông Núc, khi chỉ còn phần xác, thuần túy là một vật phẩm đất nung thông thường, có thể tận dụng cho nghệ thuật sắp đặt, đề nghị bà con nghinh tập trung tại những địa điểm phù hợp cho từng khu vực dân cư, để ốp dán bên ngoài những bồn cây cảnh chốn công viên. Lề đường, công viên, nhờ vậy sẽ thêm phần trang nghiêm, đẹp đẽ, bởi tận tâm thức, sẽ không một ai dám ngồi bậy, vứt rác hay khạc nhổ lung tung trước những hình tượng gần gũi mà thiêng liêng quí giá này.

Làm được như vậy, có lẽ linh hồn Táo quân cũng sẽ “ra đi thanh thản” để sớm vui vẻ trở về khi gia chủ đã sắm sẵn bộ đất nung mới. Yếu tính thiêng, thiết nghĩ, nếu hòa mình trong đời sống xã hội hiện đại một cách phù hợp (không gian, thời điểm, mức độ, màu sắc, chất liệu, ý nghĩa biểu tượng...), sẽ càng làm tăng giá trị, càng thu hút sự quan tâm, nâng niu của cộng đồng đối với di sản văn hóa. Những mong Ông Táo đi đâu, về đâu, cũng luôn mỉm cười thoải mái để kịp thời lo lắng cho mọi nhà luôn được bình an.

Trần Đình Hằng