Ứng dụng KH&CN vào khảo sát tài nguyên nước

Có "chỗ đứng"

Nằm giữa “khúc ruột” miền Trung, Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng bởi ở trên trục giao thông bắc nam và trục hành lang kinh tế đông tây, có cảng biển Chân Mây, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài và Cố đô Huế với nhiều di tích lịch sử, danh thắng cảnh... để khai thác các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch sinh thái...

Thừa Thiên Huế được biết đến là một trung tâm y tế chuyên sâu với Bệnh viện Trung ương Huế, nguồn lực KH&CN dồi dào, được xếp vào diện chuẩn. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 8 trường đại học, 6 trường cao đẳng và nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu trong đó có hơn 275 giáo sư, phó giáo sư, 782 tiến sĩ chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Giai đoạn 2010-2018, nguồn lực đầu tư cho KH&CN khoảng 200 tỷ đồng, trong đó vốn nghiên cứu sự nghiệp hơn 72 tỷ đồng. Với nguồn lực đầu tư này đã có trên 100 công trình nghiên cứu mang tính thực tiễn; trong đó có nhiều công trình, đề tài đạt giải thưởng cao của Bộ KH&CN và tỉnh. Mới đây, các công trình nghiên cứu đã tạo ra 175 sản phẩm KH&CN; trong đó, có hàng chục sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa. Đơn cử có nhiều đề tài thực hiện nhiệm vụ Quỹ gen cấp Nhà nước có tiếng vang lớn, như: “Khai thác và phát triển nguồn gen cá dìa (Siganus guttatus Bloch, 1787), cá vẩu (Caranx ignobilis Forsskal, 1775), cá căng (Terapon jarbua Forsskal, 1775)” do PGS.TS. Nguyễn Quang Linh làm chủ nhiệm; "Ứng Dụng máy bay mô hình Quad-Rotor lấy không ảnh phục vụ công tác quy hoạch đô thị, giám sát an ninh và phòng cháy rừng" của 2 tác giả Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Chiến sẵn sàng chuyển giao công nghệ, giúp các đơn vị quản lý quy hoạch và bảo tồn cảnh quan di tích hiệu quả.

Bệnh viện Trung ương Huế ứng dụng kỹ thuật cao can thiệp bệnh lý phình động mạch chủ sọ não. Ảnh: Nhật Tân

Dõi theo hoạt động KH&CN trên địa bàn gần đây cho thấy, trình độ KH&CN trong lĩnh vực y học, khám chữa bệnh phát triển vượt bậc theo kịp hai trung tâm lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều công nghệ y học hiện đại được ứng dụng thành công như ghép tim, gan, thận… Hoạt động về khoa học xã hội và các nghiên cứu điều tra cơ bản đã cung cấp các luận cứ quan trọng cho lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương phục vụ hoạch định chính sách quy hoạch phát triển và xây dựng các dự án đầu tư công - nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước theo hướng xanh và sạch.

Những kết quả đó đã giúp kinh tế địa phương phát triển toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV cao hơn mức trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng nhanh; đặc biệt cơ cấu trong nội bộ các ngành thay đổi đáng kể theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương.

Trung tâm KH&CN

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVI đề ra mục tiêu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trên nền tảng thành phố di sản, văn hóa, du lịch, cảnh quan thân thiện với môi trường. Điều này, Thừa Thiên Huế đã xác định xây dựng ngành KH&CN cùng với y tế, giáo dục... trở thành những trung tâm lớn của cả nước và khu vực.

Mới đây, qua nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra tại TP. Huế, nhiều nhà chuyên môn, khoa học, quản lý trong và ngoài tỉnh đến tham dự đã chia sẻ những kinh nghiệm sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN bởi từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện trở thành một trung tâm KH&CN không chỉ từ những yếu tố tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn có những quyết sách đúng đắn từ lãnh đạo tỉnh. Những năm qua từ các Nghị quyết đến chương trình hành động đã tạo cơ hội cho ngành KH&CN phát triển, trong đó vừa nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, vừa tập trung nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo công nghệ đặc thù, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… Bên cạnh đó là hoàn thiện các thiết chế KH&CN cũng như xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN, mở rộng liên kết, tăng cường hợp tác về KH&CN...

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng đề án phát triển trung tâm KH&CN từ nay đến năm 2030, trở thành trung tâm KH&CN của cả nước; đề án Khu Công nghệ cao tại Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô... Đây là những nhiệm vụ cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và sự ủng hộ vào cuộc của các ngành, các cấp, đội ngũ trí thức cũng như người dân địa phương.

Tại hội nghị tổng kết ngành KH&CN năm 2020, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, KH&CN gần đây dù còn gặp những rào cản, khó khăn nhưng đã phát triển tương đối toàn diện, nhất là nguồn nhân lực, hạ tầng thiết chế KH&CN, hoạt động sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng. Để trở thành trung tâm KH&CN của cả nước, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, trước hết phải tiếp tục thay đổi toàn diện, cần có sự thống nhất không chỉ là người lãnh đạo mà của cả người dân. Phải hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo các nhà khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng công tác sáng tạo, nghiên cứu nhiều đề tài mang tính đặc thù ứng dụng cao trong thực tế; phải tăng cường xây dựng các chương trình hành động ký kết, hợp tác để có cơ hội hội nhập KH&CN xa hơn.

Minh Văn