Năm 2021 Công ty Scavi Huế tiếp tục đầu tư 150 tỷ đồng xây dựng nhà máy may và tuyển dụng thêm 1.000 lao động

Năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn duy trì mức tăng so với năm 2019, nhưng đạt thấp so với kế hoạch đề ra với mức tăng 3,25% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.200 tỷ đồng, tăng 5,2% so với năm 2019.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ nên tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực gặp nhiều khó khăn. Trong đó, sản xuất điện đạt 1,275 tỷ kWh, tăng 29,3%; tôm đông lạnh 5.960 tấn, tăng 2,4%; men frit 244.000 tấn, tăng 1,1%; áo quần may sẵn 61 triệu sản phẩm, giảm 6,2%...

Mặc dù các DN gặp khá nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, song năm 2020 các DN đầu tư và đưa vào hoạt động nhiều dự án (DA) sản xuất kinh doanh quy mô lớn, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh. Có 11 DA đầu tư sản xuất công nghiệp đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 1.488 tỷ đồng, trong đó có 4 DA lĩnh vực may mặc với năng lực sản xuất 24,9 triệu sản phẩm may mặc/năm, 1 DA sản xuất sợi năng lực sản xuất 5.180 tấn sợi/năm, 2 DA sản xuất men frit 45.00 tấn sợi/năm, 1 DA sản xuất đồ chơi bằng nhựa với năng lực sản xuất 20 triệu sản phẩm/năm...

Phát huy năng lực tăng thêm, năm 2021 nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và nâng công suất các dây chuyền. Trong đó, một số DA quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Motors của Công ty CP Kim Long Motors Huế; nhà máy sản xuất găng tay bảo hộ trong ngành điện tử, găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động đa chức năng và sản xuất sợi polyethylen của Công ty Kanglongda Huế; nhà máy chế biến Billion Max Việt Nam; Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; nhà máy may 5 của Công ty Scavi Huế...

Theo Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, ông Trần Văn Mỹ, năm 2020, DN duy trì và phát triển sản xuất, đưa kim ngạch xuất khẩu lên 260 triệu USD. Để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác xuất khẩu, năm 2021, công ty sẽ đầu tư nhà máy may mới với quy mô 1.000 lao động, kinh phí 150 tỷ đồng, đồng thời phát triển khu thương mại, dịch vụ hậu cần ngành dệt may, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2021 lên  350 triệu USD, tăng 40% so với năm 2020.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho rằng, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, năm 2021 sở đề xuất xây dựng phương án hoạt động trung tâm logistics trên cơ sở kết nối Cảng biển nước sâu Chân Mây và Ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài và các khu vực liên quan. Ngoài ra, sẽ triển khai một số đề án phát triển công nghiệp, như đề án “Khảo sát, đánh giá thực trạng cụm công nghiệp và định hướng phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030”, thực hiện các giải pháp nâng cao hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản.

Năm 2021, kế hoạch sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như xi măng 2.500 nghìn tấn,  bia 250 triệu lít, sợi các loại 100.000 tấn, quần áo lót 380 triệu, men Frít 285.000 tấn, tôm đông lạnh 7.000 tấn. Tổng sản lượng điện thương phẩm (phân phối điện) dự kiến 1.840 triệu kWh, tổng sản lượng điện sản xuất dự kiến 1.253 triệu kWh.

Bài, ảnh: Thanh Hương