1. Chúng tung ra nhiều luận điệu nói xấu nhằm hạ thấp uy tín, xúc phạm cá nhân và chê bai thái độ e dè của lãnh đạo cấp cao. Luận điệu đưa ra cho là “tham quyền cố vị”, “làm tiền lệ xấu” phá quy định của Đảng... Chúng cố tình không cần biết hoặc lờ đi khi ở nhiều nước nguyên thủ quốc gia được bầu có độ tuổi rất cao.

Nhìn sang nước láng giềng Malaysia, Thủ tướng nước này được bầu ở tuổi 92 mới mấy năm gần đây. Tổng thống Mỹ mới đắc cử đã bước sang tuổi 79, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm đang ở tuổi 80. Như vậy để thấy rằng tuổi tác chỉ là mốc thời gian của con người, không so sánh với các tiêu chí khác, lại càng không phải chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Những luận điệu nêu trên xuất phát từ một số tổ chức truyền thông thiếu thiện cảm với Việt Nam, các tổ chức chống đối và không loại trừ tay chân của một số nhóm lợi ích, tham nhũng đã bị xử lý.

2. Không phải những nhiệm kỳ gần đây mà ở Việt Nam đã có không ít những vị lãnh đạo chủ chốt dù tuổi cao nhưng vẫn thể hiện được phong độ, tài ba xuất sắc. Đồng chí Lê Duẩn đảm nhiệm Bí thư thứ nhất (Tổng Bí thư) 16 năm, qua 3 nhiệm kỳ cho đến khi qua đời năm 1986. Đồng chí Trường Chinh thay Tổng Bí thư Lê Duẩn mất khi đang chuẩn bị cho tổ chức Đại hội Vl. Ông đã hoàn thành xuất sắc cương vị, được coi như vị “kiến trúc sư trưởng” cho sự nghiệp đổi mới khi đã ở tuổi 79.

Bác Hồ của chúng ta “Hết lòng, hết sức phụng vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân” ở tuổi 79, Người “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” (Di chúc Hồ Chí Minh-1969). Khi Bác Hồ mất, người thay Chủ tịch nước là Cụ Tôn Đức Thắng lúc đó đã 80 tuổi và cũng đã kế tục xuất sắc nhiệm vụ cương vị cao nhất của Nhà nước. Lần này, ngay trong họp báo sau Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã bộc bạch: “Tuổi cao xin nghỉ nhưng đại hội bầu, là đảng viên phải chấp hành”. Đó là tâm sự thực lòng của một người anh minh, trong sáng vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

3. Trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo là chủ trương đúng của Đảng và ngay trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã có nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương, địa phương ở độ tuổi 7x. Quy định về cấp ủy các cấp có 3 độ tuổi, trong đó có những người trên 60 (chủ yếu là cấp Trung ương) là đảm bảo tính kế thừa và phát huy sự năng động, sáng tạo của lớp trẻ với kinh nghiệm chín chắn, có chiều sâu của lớp cán bộ có uy tín nổi trội dù đã quá tuổi. Đảng quy định về độ tuổi cũng là phục vụ cho yêu cầu chung, không để mỗi nơi vận dụng làm một kiểu, được làm với quy trình chặt chẽ, có tổ chức. Cán bộ cao tuổi có đủ sức khỏe, kinh nghiệm sẽ là vốn quý cho lớp sau có dịp được học tập phong cách, phương pháp lãnh đạo.

Những người được Đại hội XIII lựa chọn, suy tôn lần này chiếm chưa đến 0,5% ủy viên Ban Chấp hành và đều là những cán bộ chủ chốt trong Bộ Chính trị và đứng đầu các cơ quan trọng yếu. Đó là vốn quý của Đảng, Nhà nước cần được trân trọng, không thể xem đó là “tham quyền cố vị”.

Hơn 1.500 đảng viên tham dự Đại hội XIII bầu chọn là quyền quyết định cao nhất, là công việc nội bộ Đảng. Nhân sự cấp cao đã được chuẩn bị kỹ càng từ rất sớm trong nhiều hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó thể hiện sự đoàn kết, dân chủ, khách quan, làm đúng quy trình đối với công tác nhân sự nói chung và những “trường hợp đặc biệt” được tái cử. Những cán bộ đó đáp ứng đúng yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, uy tín, đạo đức và đã được đồng thuận rất cao trong đại hội. Từ kinh nghiệm các kỳ đại hội trước và thực tế yêu cầu đòi hỏi, những “trường hợp đặc biệt” đều có đủ tiêu chuẩn, uy tín nổi trội, xuất sắc trên cương vị công tác được giao. “Đặc biệt” ở đây chủ yếu là quá tuổi so với quy định thể hiện sự linh hoạt, tôn trọng người tài, đức, giúp Đảng có thêm nhân tố tích cực tiếp tục được cống hiến.

Những “trường hợp đặc biệt” giữ chức vụ cao nhất trong Đảng, Nhà nước, Chính phủ được đại hội lần này suy tôn, được Nhân dân đồng tình cao là thể hiện sự đồng thuận của “ý Đảng, lòng dân”. Điều đó chỉ có lợi cho sự nghiệp chung, cho đất nước.

NGUYỄN AN HÒA