Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tham dự có ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Quốc Đoàn, UVTW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Nhấn mạnh cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp có ý nghĩa chính trị quan trọng trong việc kiện toàn và xây dựng nhà nước pháp quyền từ Trung ương đến địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các thành viên đại diện UBMTTQVN tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, thảo luận, góp ý về cơ cấu đại biểu trên tinh thần chọn lựa được những đại biểu đại diện cho cử tri của tỉnh, những lĩnh vực quan trọng, thế mạnh của tỉnh để có tiếng nói trong Quốc hội, HĐND tỉnh, ngoài trách nhiệm chung là xây dựng Quốc hội, xây dựng HĐND tỉnh.
Trên tinh thần đó, các đại biểu đã tham gia góp ý liên quan đến thành phần, cơ cấu đại biểu và biểu quyết thông qua số lượng 16 đại biểu được giới thiệu ứng cử ĐBQH của tỉnh cùng một số điều chỉnh liên quan đến thành phần, cơ cấu đại biểu được giới thiệu ứng cử của các sở, ban ngành, địa phương.
Theo tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh về dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử ĐBQH khoá XV của tỉnh như sau: ĐBQH được bầu là 7, trong đó 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số lượng người của tỉnh giới thiệu ra ứng cử ĐBQH là 13.
Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh dự kiến phân bổ cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH tỉnh khoá XV là 16 đại biểu; trong đó đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3, 13 đại biểu còn lại do tỉnh giới thiệu. Về cơ cấu, đại biểu dưới 40 tuổi và đại biểu không là đảng viên đều có cùng tỷ lệ 7,6%, đại biểu nữ chiếm 38,4% và đại biểu người dân tộc thiểu số là 15,3%.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đề nghị một số vấn đề như: chuyển cơ cấu đại biểu dân tộc Tà Ôi từ huyện Nam Đông sang huyện A Lưới và đại biểu dân tộc Cơ Tu từ huyện A Lưới sang Nam Đông; thay cơ cấu đại biểu thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh bằng đại biểu thuộc Đại học Huế… Tuy còn có ý kiến khác, nhưng sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh giải thích thêm, các đại biểu dự hội nghị đã cơ bản thống nhất với dự kiến cơ cấu, số lượng, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu thảo luận sôi nổi về cơ cấu số lượng, thành phần theo dự kiến của Ủy ban MTTQVN tỉnh. Theo quy định, số lượng đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 51 người, số ứng cử viên tối thiểu là 84 người.
Hội nghị đã thỏa thuận nhất trí và biểu quyết thống nhất một số nội dung: cơ cấu số lượng của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là 2 đại biểu, nhất trí giới thiệu 1 đại biểu là lãnh đạo trong Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp trong cơ cấu, thay thế cho đại biểu nữ; khối các sở, ban, ngành cơ cấu tăng từ 7 lên 8 đại biểu…
Qua đó, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh thay đổi từ 98 lên 99 người. Cụ thể, số người ứng cử đại biểu phụ nữ chiếm tỷ lệ 37,37%; đại biểu trẻ dưới 40 tuổi 16,33%; đại biểu là người dân tộc thiểu số 6,12%; đại biểu là người ngoài Đảng 13,27% và đại biểu tái cử 35,29%.
Theo dự kiến, hội nghị hiệp thương lần thứ hai và thứ ba sẽ được Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức lần lượt vào ngày 16/3 và 16/4.
Tin, ảnh: Minh Nguyên