Sương Lan và cỏ bàng được nhuộm màu
Sắc màu mới, sức sống mới
Đại dịch COVID-19 khiến ngành du lịch đóng băng. Tiễn đoàn khách cuối cùng từ tháng 3/2020, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phong Lan Việt - Hồ Sương Lan quyết định tìm kiếm một nghề mới để khắc phục tình hình của công ty sau hơn 10 năm kinh doanh trong ngành “công nghiệp không khói”.
Thời gian rảnh rỗi, chị về làng Phò Trạch (xã Phong Bình, Phong Điền) dã ngoại, xem các nghệ nhân đan và làm các sản phẩm từ cây cỏ bàng. Khác với cỏ bàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cỏ bàng Phò Trạch thân nhỏ, mềm mại nhưng dai chắc. Sương Lan kể, càng tìm hiểu, chị càng say mê với loài cỏ mỏng manh nhưng mang sức sống mãnh liệt này. Những đồng đất thấp trũng, lúa cấy xuống không sống nổi thì cây cỏ bàng lại ngạo nghễ vươn lên.
Mỗi sản phẩm được nâng niu, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ
Những sản phẩm mộc mạc, tinh tế từ cỏ bàng khiến chị không muốn rời đi. “Mình vui và xúc động trước tâm tình của người dân về nghề, về mong muốn gìn giữ, bảo tồn sản phẩm văn hoá - nét riêng độc đáo của làng Phò Trạch. Dẫu vậy, tiềm năng vẫn chưa được khai thác trọn vẹn. Thị trường còn giới hạn và quy mô sản xuất nhiều hạn chế”, Sương Lan bày tỏ.
Con mắt làm kinh doanh khiến Lan thấy được cơ hội phát triển của sản phẩm thủ công - “handmade” từ cỏ bàng và quyết tâm tìm hướng đi mới, đưa cỏ bàng “bay cao, bay xa”.
Lan kể, “khoe” hai chiếc túi cỏ bàng lên facebook cá nhân, nhiều bạn bày tỏ thích thú “ồ, có sản phẩm dễ thương như vậy nhưng sao không ai bán” và “ý tưởng kết nối, thương mại hoá, “biến” các sản phẩm thô mộc thành thời trang cao cấp hình thành”.
Những sản phẩm tinh tế từ cỏ bàng
“Thì ra hàng thủ công mỹ nghệ rất được người tiêu dùng ưa chuộng”, chị nói. Chỉ là mình làm chưa tới, thiếu sự khác biệt và chưa định giá xứng đáng với nó. Vậy nên, phải làm sao để kích thích khách hàng sử dụng, quay lại, góp phần duy trì phát triển dòng sản phẩm này.
Cô đi về như con thoi giữa Huế và làng Phò Trạch gặp “đối tác”, trao đổi ý tưởng, tỉ mỉ chọn nguyên liệu, cùng team thiết kế mẫu. Lan còn tìm mua hàng chục mẫu vải linen, zèng, thổ cẩm… về phối và tìm cách nhuộm màu thủ công cho cỏ. Lạ thay, cỏ bàng như bừng sức sống mới với đa sắc màu quen mà lạ: da lan, xanh coban, cam đất, tím Huế.
Khéo tay với những sản phẩm đan từ cỏ bàng, bà Nguyễn Thị Liên, người làng Phò Trạch - giờ là thợ chính hợp tác với Lan, vui vẻ: “Cũng là túi xách, cái mũ nhưng chúng tôi làm những mẫu có kiểu dáng đẹp, tinh xảo hơn. Nhờ đó, người thợ có thu nhập khá tốt. Đơn đặt hàng cũng liên tục gửi về”. Như lời bà Liên, cỏ bàng không còn là sản phẩm quê mùa mộc mạc mà trở thành mặt hàng thủ công “handmade” độc đáo, thời trang. Còn Thuỳ Vy - hoạ sĩ đang vẽ và lên mẫu họa tiết cho thương hiệu Marie’s chia sẻ: “Thú thật, mình chưa bao giờ vẽ trên chất liệu như thế này. Cũng như chị Lan, càng làm mình càng say mê cỏ bàng. Nó mới, lạ và mang lại trải nghiệm rất thú vị, rất chất”!
Ai nhìn thấy cũng trầm trồ, bất ngờ. CEO Phong Lan Việt còn đưa hội hoạ với những hoạ tiết trang trí vẽ tay tinh tế, sống động, tạo sự kết hợp hoàn hảo giữa thời trang và nghệ thuật.
Mỗi món quà được làm từ khối óc, con tim
Giờ đây, thời trang túi xách, ví, mũ đan tay từ cỏ bàng thương hiệu Marie’s ra mắt thị trường và được khách hàng đón nhận. Với tính thời trang, ứng dụng cao, Marie’s nhận nhiều đơn đặt mua từ khách trong nước, quốc tế.
Với những người dân làng Phò Trạch
“Sự tinh tế được thể hiện trong từng chi tiết. Mỗi sản phẩm thủ công từ cỏ bàng là một tác phẩm thủ công rất nghệ thuật, rất giá trị. Cảm ơn Marie’s”, chị Nguyễn Kiều Linh, khách hàng đến từ Hà Nội phản hồi trên trang Marie’s - Cỏ bàng xứ Huế.
Lan cho hay, hoa văn, hoạ tiết là sự sáng tạo, ngẫu hứng của nghệ nhân, nên mỗi sản phẩm là độc nhất. Vì vậy, dù giá không rẻ (từ 200 – 600 ngàn đồng/cái), khách hàng vẫn rất vui vẻ để sở hữu sản phẩm. “Mỗi món quà được làm từ khối óc, con tim và tình yêu của những người gắn bó với cỏ bàng nên sản phẩm giá trị là vì điều đó”, cô thổ lộ.
Phản hồi tích cực của thị trường tạo thêm động lực cho Lan và cộng sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Ngoài những mẫu do khách đặt, hàng trăm thiết kế khác được Lan cùng đội ngũ phác thảo theo xu hướng truyền thống và hiện đại, từ hoạ tiết, khung túi, dáng túi đều phù hợp xu hướng thời trang. Chỉ sau một thời gian ngắn, doanh thu đã tăng gần gấp 3 lần so với doanh thu khiêm tốn những tháng đầu. Điều này cũng cho thấy khách hàng rất yêu chuộng và trân trọng giá trị sản phẩm thiên nhiên. Hàng thủ công từ cỏ bàng theo chân những chủ nhân của nó đến nhiều vùng đất, quốc gia khác nhau.
Tháng 1/2021, Sương Lan khai trương cửa hàng ở phố đi bộ và dự kiến mở chuỗi cửa hàng ở các tỉnh, thành phố lớn. Đồng thời, lên kế hoạch vươn tầm quốc tế - nơi có nhiều khách hàng yêu chuộng sản phẩm thủ công theo xu hướng thời trang xanh trên cơ sở đẩy mạnh tiếp thị, bán hàng kênh online.
“Dù còn nhiều gian nan nhưng mình tin, tình yêu được hòa quyện bằng đôi tay và khối óc trong mỗi sản phẩm có thể rung động những trái tim. Vì “yêu Huế theo cách của bạn” nên sẽ nỗ lực để đưa “Tinh hoa xứ Huế” đi xa hơn”, Lan cười vui.
Theo các cụ cao niên trong làng, nghề đệm bàng Phò Trạch xuất hiện cách đây 500-600 năm- từ thời lập làng, tức vào khoảng giữa thế kỷ 15. Gần 6 thế kỷ trôi qua, nghề vẫn vẹn nguyên như vậy: trồng (ngày xưa khai thác trong tự nhiên)-cắt-phơi-đập-đan.
Bài, ảnh: Liên Minh