Thành quách cổ kính. Ảnh: Châu Khuê
Rêu Huế, dưới góc nhìn cổ tích, như nàng công chúa chờ hoàng tử đến trao nụ hôn để thức dậy và làm nên mùa màng no ấm. Giấc mơ Huế từ những cọng rêu, là làm sao chàng hoàng tử trên chiếc du thuyền từ khơi xa, có thể ghé lại, và vung lên trong không gian Huế chiếc đũa diệu kỳ…
Thời gian gần đây, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương đã thật sự khiến ý tưởng phát triển du lịch Huế trên nền tảng văn hoá Huế và cảnh quan môi trường trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhiều người nhận ra, đó không chỉ là giấc mơ, đó đang là bài toán cần được giải quyết với một thái độ quyết liệt song điềm tĩnh và thông minh để hiện thực hoá giấc mơ mà vùng đất này đã ấp ủ hàng bao nhiêu năm; đã giữ gìn đã nâng niu, đã trăn trở kỳ vọng để đến lúc giấc mơ được hoá hiện thực.
Từ căn nền văn hoá, với mật độ dày đặc và nội hàm cực cao của di sản Huế, thật sự là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hoá. Huế đang đi đúng hướng khi hàng thế kỷ qua, đã thay mặt Nhân dân Việt Nam gìn giữ cho đất nước Quần thể di tích Cố đô và các di sản thế giới; từ đó, thu hút ngày càng lớn lượng du khách đến Huế hàng năm. Nếu không có dịch COVID -19, các di tích văn hoá Huế sẽ tiếp tục tạo nguồn thu ngân sách lớn cho tỉnh nhà, không dừng lại ở con số thu hút 4,5 triệu lượt du khách của năm 2019.
Huế không chỉ có di sản thế giới, Huế còn rất nhiều giá trị di sản tiêu biểu khác cần được đánh thức. Bởi cần nhận thức rằng, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương chỉ đạt được nhờ vào việc bảo tồn phát triển đô thị di sản; trên căn nền đó phát triển kinh tế du lịch di sản làm động lực phát triển đô thị. Nói cách khác là Thừa Thiên Huế phải hướng tới xây dựng một “đô thị du lịch di sản”.
Phát triển du lịch trên nền di sản, còn là nhắm đến những rêu phong của các thiết chế văn học nghệ thuật. Du lịch văn học nghệ thuật (literature and art tourism) là một hình thức mà thế giới đã tổ chức sống động hàng trăm năm qua, song rêu phong của nó chưa được du lịch Huế chú ý.
Hãy đến phủ đệ Tùng Thiện Vương, để nghe rêu kể lại câu chuyện hội ngộ lạ kỳ năm xưa giữa Chu Thần Cao Bá Quát với các thi nhân của Mặc Vân Thi Xã. Hãy đến vườn An Hiên, đến khu vườn của ngôi nhà cố họa sĩ Bửu Chỉ, nhận ra rêu đang góp phần làm nên cái trù mật của thực thể văn hoá xanh biếc lá cây, nhận ra rêu đang làm nên giá trị của cái cổ xưa trên những di tích ấy. Hãy đến các ngôi chùa, nhận ra màu xanh rêu vô ưu làm nên giá trị tĩnh mịch của những không gian văn hoá an nhiên của chốn thiền môn rất riêng của Huế. Hàng trăm ngôi chùa với vô vàn kinh kệ tàng thư, văn học chốn thiền môn Huế vẫn đang còn là ẩn số chưa được khai mở.
Một luận điểm khá mới song đáng để suy ngẫm: Ẩm thực Huế riêng biệt ấy là nhờ mang phong vị mùi rêu. Có ai đó yêu Huế đến mức cực đoan nghĩ ra thêm cho Huế cái riêng khác này không? Thưa không. Bên cạnh cái mùi ruốc đặc trưng, không lẫn vào đâu được; hãy nhận ra phong vị tinh tế mùi rêu ẩn khuất trong hoa trái quanh vườn như trái vả, bụi môn ngọt nơi góc vườn có bể nước lên rêu, giàn rêu “thương chồng… nấu canh bông lý”, trong cái con ốc quắn mang cả cọc rêu đi dưới sông dưới hói… Ẩm thực chay Huế là từ những vườn rêu. Mới hay món Huế, không chỉ được ướp tẩm bởi kinh thành cổ kính, mà còn được ấp iu bởi những khói bếp rêu phong. Món Huế mọc ra gọi mời đa phần từ những khu vườn Huế. Nhà vườn Huế, như nhà nghiên cứu Phan Thuận An đúc kết: “là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đó là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc, trong đó có đạo lý truyền thống gia đình. Nhìn cảnh quan của một nhà vườn Huế, con người có thể nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân”... Nhà vườn Huế chính là lý do để người ta gọi Huế là “thành phố vườn”. Và không thể gọi là vườn Huế nếu khu vườn ấy không có rêu phong…
Ở phố thị có nhà vườn, ở làng quê có đình làng Huế cũng rêu phong dưới cội cây già, nơi quy tụ khoảng 500 lễ hội dân gian hàng năm. Phong nhiêu lễ hội làng quê thế nào cũng ắp đầy mắt rêu trẻ nhỏ. Đó chính là khởi thuỷ cho du khách tìm về, hoặc về lại cội nguồn xưa, hoặc đi tìm những gì thế gian đã đánh mất ở phương trời xa thẳm…
Thừa Thiên Huế đang là đô thị di sản, nên mô hình phát triển bền vững chỉ có thể là văn hoá và hệ sinh thái nhân văn xuyên suốt từ rừng xanh về với biển khơi. Ở đây, giấc mơ rêu hát chính là xây dựng Huế thành trung tâm để phát triển mô hình đô thị du lịch xanh; tích hợp màu xanh của đại ngàn (Vườn Quốc gia Bạch Mã, khu bảo tồn Phong Điền, rừng ngập mặn Rú Chá…) và “nước” (từ biển khơi, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các con sông, như sông Hương - là sử thi giữa rêu phong cỏ biếc, và cả mưa Huế…).
Những chủ nhân Huế xưa đã biết xây dựng cho mình một đô thị hài hoà rất mực với thiên nhiên, bằng những ngôi nhà im bóng cây, những ngôi chùa ẩn dật trong xanh lá, những công trình kiến trúc tương ứng cỏ cây hoa trái và bốn mùa rêu hát. Từ đó, văn hoá Huế trong môi trường sinh thái nhân văn hình thành và toả rạng…
Làm sao để những giá trị văn hoá và sinh thái đó thật sự là động lực cho phát triển?
Hỏi câu hỏi đó, ta thấy mình nợ rêu…
Hồ Đăng Thanh Ngọc