Căn phòng riêng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên được mở ra sau mười năm khép kín. Không ai, kể cả những người thân yêu nhất của ông, bước vào căn phòng ấy kể từ ngày định mệnh 1/4/2001. Đó là chốn riêng của ông, nơi Trịnh Công Sơn viết, vẽ, ngồi bên những bè bạn thân. Có một bộ bàn ghế gỗ kiểu cũ với một chiếc ghế mây trắng của riêng ông. Trên mặt bàn là bản thảo những ca khúc chép tay và thư từ từ muôn ngả gửi về địa chỉ 47C Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP. Hồ Chí Minh. Tranh trên tường và tranh còn dở dang trên giá vẽ. Cũng không thể thiếu những chai rượu còn nguyên hay đã vơi, đã cạn.

Đã hai mươi năm trôi qua kể từ ngày Trịnh Công Sơn trở về với “cát bụi mệt nhoài”. Nhưng dường như vẫn mơ hồ, lãng đãng đâu đó những giai điệu các bài hát thân quen đang trôi trên những phím dương cầm lặng lẽ ở một góc phòng...

Một cuộc kiểm kê những gì trong căn phòng đã kín cửa suốt mười năm. Thật may, thời gian và khí hậu chưa kịp phôi pha thứ dễ bị tổn thương nhất là những trang giấy. Những người có mặt hôm ấy tìm thấy được một kho báu. Còn nhiều lắm những gì Trịnh Công Sơn để lại nhưng chưa từng công bố. Nhiều bài viết chưa ai được đọc. Rất nhiều bài hát như thể mới chớm được chấm phá những nốt đầu tiên trên khuông nhạc. Và với riêng tôi, một người yêu hội họa, thì khó tả nổi niềm vui khi được cầm trên tay, ngắm nhìn những bức tranh của Sơn, tất cả đều được vẽ năm 1992 trên giấy bìa cứng bằng chất liệu pastel. Đó là những tác phẩm trừu tượng và nửa trừu tượng đặc sắc và kỳ ảo của một người coi “hội họa là cõi trú thứ hai, bên cạnh cõi trú âm nhạc; khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi”.

Ngoài âm nhạc, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn đam mê hội họa

Nhà thơ Nguyễn Duy và tôi được gia đình Trịnh Công Sơn ủy thác đọc và chọn, biên soạn những di cảo của Trịnh Công Sơn trong căn phòng kín cửa mười năm để in thành sách. Thật khó tả được niềm vui khi là người đầu tiên được đọc những trang viết mà từ ngôn ngữ, cách diễn đạt cho đến cảm nhận, ngẫm ngợi về cuộc sống muôn vẻ, và cả về cái chết an nhiên, lại đầy biến ảo và khác biệt đến thế.

“Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mỹ miều của trần gian này nọ đã từng vạch ra những lối đi mờ ảo, hoang đường trong bể dâu của cuộc sống... Âm nhạc và tiếng hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi một mái tóc trầm hương, và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người”.

“Hãy là mai như những sớm mai

Những bông hoa ngày tết

Mai ở lại và sự tàn úa ra đi

Vì những sớm mai thức dậy

Người ta bắt đầu một ngày mới

Và nói với nhau: Chào buổi sớm mai

Mai là chút ánh sáng cuối cùng trong lòng những kẻ tuyệt vọng”.

 

“Thế giới hội họa là một thế giới mở ra mà không có khép lại. Nó có thể có khởi đầu mà không có kết thúc. Đó là một thế giới hoàn thiện trong dang dở. Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn ở lại sau cùng khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi”.

Chúng tôi đã tập hợp những di cảo của ông để thực hiện ấn phẩm dày dặn Trịnh Công Sơn, tôi là ai, là ai... (NXB Trẻ, in lần đầu tiên tháng 3/2011, đã tái bản nhiều lần).

***

Bộ lịch Tết Kỷ Hợi 2019 với tranh Trịnh Công Sơn đã in một trong số những bức được tìm thấy trong căn phòng riêng của ông. Năm 2021 này vừa tròn 20 năm người nghệ sĩ tài hoa nói lời chia tay nhân thế: “Những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây”. Ngoài những chương trình tưởng niệm Trịnh Công Sơn được tổ chức ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tại Huế, quê nhà của nhạc sĩ, sẽ có một ấn phẩm giới thiệu “cõi trú thứ hai” của ông.

Sách “Hội họa Trịnh Công Sơn” dự kiến sẽ phát hành vào tháng 4/2021, trong đó có các tranh pastel đi cùng bài viết này.

Bài, ảnh: Nguyễn Trọng Chức