Bên cầu gỗ lim. Ảnh: Bảo Minh

Tôi bắt gặp ánh xanh ngời trong những chiều nắng tươi của Huế, trên những chiếc thuyền sup nhiều màu sắc nơi bến thuyền Dã Viên rộn rã tiếng nói cười. Một hôm nào đó, ngang qua nơi này, nghe tiếng rổn rảng tươi vui mang màu tuổi trẻ, tôi tò mò bước xuống, lần tìm thanh âm tươi tắn để ngỡ ngàng về một kiểu-người-Huế hôm nay. Những chàng trai cô gái thanh xuân mang dáng vóc tươi mươi đầy sức sống, họ hát lên thứ ngôn ngữ riêng của tuổi trẻ, họ cười riêng tiếng cười của tuổi trẻ. Đôi mắt họ nhìn nhau thứ ngôn ngữ chân ái riêng mà với tôi, giờ nghe sao bỡ ngỡ như một kẻ ngoại kiều về ngồi dưới chân cầu.

Những người lớn tuổi, trong thời đại này, vẫn còn giữ thói quen viết cho nhau những dòng chữ gửi nhanh cho nhau kịp ngày về sớm. Những ngày bình thường, tôi hay dành ra ít phút, gõ đôi hàng gửi xa xôi để phía chân trời, người đi xa vẫn nhận được quê nhà đến với mình không cũ. Hôm nay có tí chút buổi sáng tranh thủ hẹn hò với cô bạn nhỏ tuổi ở một quán cà phê, tự dưng lại nhớ về cây bông cẩm quỳ của Hoàng Tử Bé. Nỗi nhớ giúp lòng rất nhẹ. Hình ảnh một chú bé con thênh thang trên hành tinh xanh với cây cẩm quỳ nhiều dấu hỏi gợi trong tôi sự trong trẻo hồn nhiên nhiều dấu ái. Rồi cũng từ đó mà ao ước một hành tinh cho mình.

Nhưng tôi đâu ngờ, dành riêng một ngày lang thang qua những địa chỉ được giới thiệu mỏng mảnh trên tay, tôi bắt gặp thật nhiều nơi mang những góc nhỏ nhiệm màu. Kỳ thú thay, đó là những nơi chủ nhân chỉ vừa tuổi thanh xuân. Họ như vừa kịp lớn lên sau một mùa măng chồi ngợp gió, nhưng đã đủ mang trong mình những hồn cốt Huế xưa. Họ dựng nên những nếp nhà nhỏ thôi mà tinh tươm ngăn nắp, trong từng lối đi vào vườn, trong từng vật dụng trên bàn nước, nơi góc nhà… Và đặc biệt là vóc dáng mảnh mai của những cô gái Huế bé nhỏ vẫn còn lưu hương của các mệ xưa trên mái tóc thật dịu hiền, bên cạnh các nam nhân nhu mì mà cương trực, lặng im cười thật nhẹ trước những xô bồ xôn xao.

Tôi đã gặp Huế của người trẻ hôm nay qua những nơi như thế, là vườn nhà Lavin, là góc quán trà Om, là chiếc ghế cũ trên căn gác nơi xưa kia Trịnh đã từng ngồi chờ lá xanh xao buông hờ trên vai Diễm… Và tôi nhận ra, Huế vẫn còn nhiều cái cũ kỹ xưa sót lại. Chè Hẻm vẫn đó. O bán nước đậu nành, đậu ván chợ Bến Ngự năm xưa giờ đã già chuyển sang bán trầu cau, nhưng vẫn chỗ cũ. Chiều nay có việc, đi từ ngả nhà thờ Phủ Cam xuống, thấy lòng thật bình yên. Nghe tiếng chuông ngân biết đến lúc phải bỏ bớt những xao động ba đào ra bên ngoài mà giữ lòng yên tĩnh. Đời đâu cần chi phải mua bánh tráng về đập vỡ cho đỡ dậy sóng trong lòng.

Tôi ngắm Huế nhỏ chút xíu mà đôi lúc tưởng rằng xứ này nên được gọi xứ Hương, và vừa vặn với thị xã hơn là thành phố. Thở dài đầu sông cuối sông còn nghe thấy. Nên làm người ở Huế thì phải sống chừng mực lắm. Ở đây, con người ta lấy cái niềm vui đời thường mà che bớt cái trống trải trong lòng, đôi khi cũng qua được một đỗi. Tôi bắt gặp trong nhiều gia đình, thường dành riêng nồi niêu bếp núc chỉ để phục vụ các ngày cúng kỵ trong năm đôi khi nghe dường như quạnh vắng tiếng cười. Nên bây giờ khi đi trên những con đường đầy lá lên non, tôi ngạc nhiên làm sao nghe tiếng nói cười đã khác xưa biết mấy. Trên các diễn đàn dành cho người Huế trẻ, tôi bắt gặp nhiều gương mặt mới, mỗi ngày đang nỗ lực làm Huế lột bỏ tấm rèm cũ để tươi tắn hòa ca cùng hơi thở mới hôm nay. Trong một dịp tình cờ chung lớp với các học viên trẻ, tôi thật bất ngờ, khi lời người chủ của một công ty du lịch trải nghiệm chuyên về tour khám phá những vẻ đẹp địa phương, lý giải cho câu hỏi tại sao anh có mặt trong khóa học này, rằng: “Tôi muốn học, để biết, để đem những gì tốt nhất về làm cho cộng đồng của tôi”. Phải chăng, Huế đang mới lên từ những người trẻ trưởng thành.

Đã từ lâu, mặc định nỗi nhớ về mảnh đất Cố đô, là khuôn vàng thước ngọc thành quách rêu cũ, thì hôm nay đi trên những con đường vừa được sửa sang lại, người ta dễ nhận ra những tàng cây đã đổi lá bao giờ. Không chỉ xanh cao rì rào muôn thuở, những con đường hoa mới mọc trong phố đưa bước chân ngập trong tươi thắm đôi mươi. Mắt người xưa không cần tìm nét rêu phong đã kịp bị hút bởi hồng tươi má thắm. Như hôm nào đó, bước chân lên gác Trịnh, hai người bạn già ngỡ ngàng gặp lại hoài niệm của thời diễm xa xưa bằng tiếng guitar thùng trẻ trung của anh bạn sinh viên mắt sáng ngời hát lại bài ca muôn thuở bằng chất giọng trẻ trung cao vút. Diễm xưa vẫn đấy thôi, những yêu dấu thuở nào vẫn còn nguyên đó, nhưng đâu phải giữ nguyên là phải phong kín rồi nhòa đi theo ngày tháng cũ mà giữ nguyên để tươi mới như thuở ban đầu. Và đẹp như cuộc sống đang chảy ngoài kia.

Mỗi đời người đi qua miền đất nào cũng gắn bó tâm tình với từng hạt đất ngọn cỏ. Tôi tự tính mình trên những mưa nắng tắm gội tuổi xanh mươi. Giờ đứng lưng chừng con dốc, đã thấy nắng rơi Thiên An, nghe chuông Từ Đàm buông lửng, đã biết nghe nước dòng A Roàng trổ là hương trôi tận cửa Tư Dung tha thiết tấm lòng nhi nữ gửi thương nhớ vào đất trời. Và hạnh phúc thay, tôi vẫn còn đủ tấm lòng trẻ thơ, để đọc được ánh tươi xanh trong mắt người trẻ, nhận được sự đổi thay của đất trời, của lòng người mà nghe cây trái trổ mải miết những mùa hoa.

Đông Hà