Để cho ra một mẻ mứt sâm Bố Chính cần phải thật tỉ mỉ và khéo léo  

Từ ý tưởng đến sản phẩm

Nói về ý tưởng mứt sâm, chị Hồ Nhật Phương, 38 tuổi (trú tại đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế) cho hay: “Trước đây mình hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, dịch COVID-19 hoành hành khiến dịch vụ du lịch bị ngưng trệ. Sau đó, mình chuyển sang cung cấp các mặt hàng từ sâm Bố Chính Quảng Bình, như củ sâm tươi, sâm sấy khô, rượu sâm… Những mặt hàng này thường kén khách bởi người mua chưa thực sự nắm được hết công dụng của nó…”

Từ đó, chị Phương đã nảy ra ý tưởng làm mứt sâm để vừa phù hợp với dịp Tết, vừa muốn giới thiệu sản phẩm mứt sâm ra thị trường để tiếp cận được nhiều khách hàng. Đó cũng là cơ duyên mà chị Phương đến với món mứt sâm.

Từ ý tưởng đến sản phẩm chỉ vỏn vẹn trong vòng 15 ngày. Khi nêu ý tưởng, chị Phương được người thân cũng như bạn bè nhiệt tình ủng hộ. Đó cũng là động lực để chị tiếp tục cho ra đời sản phẩm mứt sâm. “Khi làm mẻ mứt đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên mình đã gặp nhiều khó khăn. Sau đó, mình có đến các làng mứt gừng nổi tiếng ở Huế gặp các thợ làm mứt lâu năm cùng lắng nghe, chia sẻ các kinh nghiệm làm mứt, từ đó rút kinh nghiệm và cho ra đời những mẻ mứt đẹp, thơm ngon”, chị Phương chia sẻ.

Mứt sâm sau khi rim xong sẽ được đóng gói và đưa đến tay người tiêu dùng

Thơm ngon  bổ dưỡng

Mứt sâm được làm từ củ sâm tươi Bố Chính (do Công ty TNHH Nông Nghiệp Xanh Quảng Bình cung cấp) và đường phèn. Để ra được một mẻ mứt sâm rất kỳ công và nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải lựa chọn củ sâm đủ tháng sau đó rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng lát mỏng. Tiếp theo, chần phần sâm cắt lát sơ qua với nước nóng và rim với đường phèn.

Tuy nhiên, để có được sản phẩm mứt sâm thơm ngon tốn rất nhiều thời gian và công sức. Điểm khác biệt của củ sâm là có độ nhầy cao nên công đoạn rim mứt thường khoảng 1 tiếng rưỡi mới cho ra thành phẩm, lâu hơn rất nhiều so với những loại mứt khác. Hơn nữa, người làm mứt sâm cần phải thật tỉ mỉ, khéo léo, đảo mứt liên tục và đều tay thì lát sâm mới thấm đều và không bị cháy.

Không chỉ lạ, khi thử một miếng mứt sâm Bố Chính, ai nấy đều khen ngon bởi mứt sâm mềm, ngọt và vẫn giữ được mùi thơm của sâm. Mứt có màu vàng nhạt hoà quyện với lớp đường trắng, mùi sâm thơm nhẹ khiến nhiều người thích thú. Một kg mứt sâm có giá 500 nghìn đồng và thời gian bảo quản không quá 3 tháng.

Sâm là loại củ có dược tính cao và là một trong những vị thuốc quý của Đông y, có tác dụng hỗ trợ ngon miệng trong bữa ăn, cải thiện giấc ngủ, tăng cường thị lực, trí não minh mẫn, chống mệt mỏi, tăng cường thể lực. Bên cạnh đó, sâm cũng kích thích các hoạt động của tế bào não bộ, tăng tạo hồng cầu, tiểu cầu chữa thiếu máu, suy tiểu cầu, chữa viêm họng hạt... Mứt sâm phù hợp với mọi lứa tuổi, đặc biệt rất tốt với người tuổi cao, sức yếu.

Bà Đinh Hương, trú phường Trường An (Huế), cho biết: “Được bạn bè giới thiệu, mình biết đến món mứt sâm Bố Chính mà trước đây chỉ biết đến củ sâm tươi hay rượu sâm. Nghe lạ và hay, mình đã tìm hiểu và mua một vài hộp để chưng lên bàn thờ tổ tiên, đồng thời mang làm quà biếu người thân và bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán”.

“Sắp tới, mình sẽ duy trì làm mứt sâm. Nếu sản phẩm tiếp tục được nhiều khách hàng ủng hộ và đón nhận, mình sẽ mở rộng mô hình đồng thời mở rộng thị trường đi các tỉnh khác để mọi người đều biết đến cũng như phát triển và quảng bá sản phẩm mứt sâm Bố Chính đến tay người tiêu dùng”, chị Phương cho biết thêm.

Bài, ảnh: Bạch Châu