Góc bán đồ gia vị của bà Cao Thị Me

“Cái chi ở Huế có thì đây có”

Như trở về chốn quen thuộc sau một thời gian bôn ba giữa ồn ào phố thị, tôi chọn một gian hàng sà xuống ăn tô bánh canh bột gạo giò heo, da heo, chả cua, huyết mềm ú hụ chan nước mắm ớt trái cay xé lưỡi giá 20.000 đồng. Anh Nguyễn Mậu Khánh quê xứ Truồi vừa xắt hành lá phụ vợ bán bánh canh xởi lởi: “Nồi bánh canh ni không khác chi nồi bánh canh anh ăn ở Huế. Giá cũng “Huế thương” luôn vì tụi tui bán chủ yếu cho công nhân dệt may. Phần lớn họ là người Huế vào đây làm việc, đông lắm, từ Bà Điểm cho đến Trung Chánh (Hóc Môn) đều là người Huế mình đó”!

Những món ăn Huế gợi nhớ quê nhà

Sở dĩ ở Hóc Môn có rất đông người Huế quần tụ và sinh sống là vì nơi đây có nhiều khu công nghiệp, mặt bằng giá cả lại rẻ hơn so với những quận, huyện khác của TP. Hồ Chí Minh. Không bám trụ nổi những khu vực đắt đỏ, người Huế xa quê dần quần tụ về đây tích cóp mua đất, xây nhà, hình thành nên một cộng đồng đông đảo. “Hồi trước em ở Bà Điểm, sau chuyển nhà ra xa xa một chút, nhưng lâu lâu cũng ghé về đây để mua đồ ở quê vô. Chợ nhỏ, song gần như cái chi ở Huế có thì đây cũng có”, chị Lê Thị Kim Ngân, quê Vinh Phú -Phú Vang khoe. Chú Trần Thu, người Giang Hải - Phú Lộc thường xuyên ghé chợ vì ở đây “cá cũng Huế, mắm cũng Huế, cái chi cũng Huế hết. Có khi buồn nhớ nhà, tới đây không mua chi, chỉ nghe người ta nói chuyện mô tê răng rứa đó thôi”!

Vừa bặm môi chặt khúc giò heo bán cho khách, chị Nguyễn Thị Diễm Châu (quê Cầu Hai, Phú Lộc) chia sẻ: “Chợ ni có 14-15 năm rồi. Đầu tiên chỉ có tui với một chị nữa bán cá bên lề đường Bà Điểm. Sau đó mới có thêm bà bán rau, với chị bán hủ tiếu. 10 năm trở lại đây thì chợ tụ họp đông dần. Áng chừng khoảng 50 quầy hàng, 95% tiểu thương là người Huế. Chợ cũ nằm cách chỗ ni khoảng 100m, tháng 8 tháng 9 chi đó mới chuyển về đây (đoạn quanh hẻm 26 Bà Điểm). Chợ ni nổi tiếng lắm. Hỏi chợ Huế, người ta chỉ về đây liền hà”!

Nặng tình quê hương

Chỉ trong buổi sáng, tôi gặp rất nhiều người gốc Huế tìm đến đây từ những quận, huyện cách rất xa Hóc Môn như quận 7, quận 1, quận 2, Thủ Đức. Có lẽ cảm giác quê hương gần gũi đến từ các món ăn dân dã, giọng nói rặt Huế thân thương khiến ngôi chợ nhỏ ở Hóc Môn trở nên rất nổi tiếng, là điểm đến mua bán hàng ngày của người dân ở đây và vùng lân cận.

 Tô bánh canh “đậm” chất Huế

Ở đây có thể dễ dàng tìm thấy các loại mắm ruốc, mắm cá, những thẩu mắm tôm nhỏ hiệu Cô Ri, mắm bà Duệ, mắm Liên Hoa (chợ Đông Ba) hay rau thơm, trái vả, dưa muối... Bà Cao Thị Me, người Phú Lộc, chủ một sạp nhỏ bán đồ gia vị cho biết: “Nguời Huế quen ăn ngoài quê răng thì vô đây cũng rứa, họ thích chi mua nấy cũng dễ”. Nghe chuyện, chị bán hàng bên cạnh tranh thủ “tiếp thị” tôi: “Em có chả cua, chả cây, bánh lọc, bánh nậm, bún mắm nêm Huế luôn anh nì. Đi mô chút ghé lại đây em bán giá hữu nghị cho anh hí”! Nhìn qua tôi thấy chỗ chị bán chỉ có vài chiếc thau nhựa nhỏ, đựng trong đó các loại bánh gói bằng lá chuối, chả cua, chén, dĩa, vài bịch nước mắm ớt gói sẵn… Nếu không định hình ngay từ đầu đây là Sài Gòn, thì tôi cứ nghĩ đây là một ngôi chợ vùng ven Huế như Phú Mậu, Phú Thượng (Phú Vang) hay chợ Thanh Toàn (Hương Thủy)…

“Các loại cá ong, cá dìa, cá nâu… của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ở đây đều có cả. Anh Trần Đình Huế, quê ở TP. Huế hào hứng giới thiệu với tôi. Trong khoảnh sân nhỏ tầm 5m2, anh Huế đặt chừng năm, sáu khay cá đặc sản nước lợ dù số lượng không nhiều, mỗi khay vài ba con”. Anh Huế chia sẻ: “Bán cho đồng hương nên giá cả ở đây mềm hơn những nơi khác. Ở đây lui tới người toàn Huế vào mua, thỉnh thoảng cũng có người miền Nam ghé đến. Anh Huế thiệt thà: “Nói giọng Huế quen, nói giọng Nam chừ ngượng ngịu lắm!”

Chợ bắt đầu họp từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Điều kỳ lạ là tôi có cảm giác như ở ngôi chợ này khách không đông mà cũng không ít. Người mua thong thả, mà người bán cũng không vội.

Không ồn ào, không chèo kéo, những bà, cô, chị, em điềm đạm, các bác, các chú, các anh thì vẫn còn “hơi hướng nếp sống Huế” nên xua tay bảo tôi “chú đừng quay, chụp ảnh chi tui hết, đàn ông con trai mà ra chợ bán cá cũng ngại lắm”. Tôi trấn an bằng một câu nói muôn thuở, làm việc chi mà ra tiền với sức mình là được, có chi mà ngại chú ơi. Nhưng tôi cũng hiểu đằng sau nỗi vất vả mưu sinh đó, tính cách Huế vẫn còn đó, ở những thân phận bôn ba nơi xứ người nhiều năm qua. Không chỉ là các sản vật đang được bày bán ở chợ, hay “đặc sản” giọng nói “âm thầm sâu lắng lạ” mà chính “lối sống Huế” mới làm nên một ngôi chợ Huế dân dã và độc đáo ở Sài Gòn.

Bài, ảnh: Đặng Tuấn Anh