Người dân kém vui vì chất lượng hoa thấp, giá thấp

Đến làng hoa Tiên Nộn (xã Phú Mậu, Phú Vang) vào những ngày cuối năm, không khí ấm áp, pha chút se lạnh của mùa xuân đã lan tỏa khắp vùng. Là vựa hoa của tỉnh, tết là thời điểm mang lại khoản thu nhập lớn, cũng là thời gian bận rộn, tất bật của người trồng hoa Tiên Nộn.

Ở đây trồng nhiều loại hoa như cúc, đồng tiền, mào gà, dạ yến thảo, hoạ mi... Trong đó, hoa cúc phổ biến nhất trong thời điểm hiện tại. Hầu hết các giống hoa đều được lựa chọn kỹ từ nhà vườn có uy tín, truyền thống ở Đà Lạt. Các chủ vườn đang thực hiện các công đoạn cuối cùng, chăm sóc công phu cho từng luống hoa để mong hoa nở đúng dịp, phục vụ tốt cho thị trường tết.

Ông Trương Văn Hòa ở xã Phú Mậu cho biết, các hộ bắt đầu gieo hạt từ giữa tháng 11. Thời gian từ lúc gieo hạt đến lúc có hoa bán tết trong vòng 3 tháng. “Năm nay mưa lũ kéo dài, các luống hoa gần như ngập hết. Từ lúc gieo giống, phải vừa chăm sóc vừa sử dụng máy để đấu úng thường xuyên. Một số hộ không trồng được hoa vì mưa kéo dài đành bỏ hoang diện tích…”, ông Hòa chia sẻ.

Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ, rét đậm rét hại kéo dài thời gian qua khiến năng suất, chất lượng hoa không được tốt như mọi năm. Cùng thời điểm này của năm trước, toàn bộ các luống hoa của người dân đều phát triển tốt, nở rộ rực rỡ. Nhưng năm nay, hoa nở không đều, thưa thớt, mặt hoa nhỏ, có những luống hoa đến nay chỉ mới bắt đầu nhú nụ.

Hơn 18 năm trồng hoa tết, ông Lê Văn Lự thở dài: “Vườn hoa lan nhà tôi được gieo trồng, chăm sóc đến nay gần 5 năm đã bị cơn bão từ đầu tháng 10 đánh tơi tả, bây giờ cây và hoa không còn sức sống nên không thể bán được”.

Tình cảnh của ông Hòa, ông Lự cũng là nỗi niềm chung của những hộ dân trồng hoa tại làng Tiên Nộn. Dịch bệnh và thiên tai dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình trồng hoa, sản phẩm chất lượng thấp, các hộ dân không tránh khỏi tổn thất.

Chị Phương Nhung, người buôn hoa ở TP. Huế nhận xét: “Năm nay, các vườn hoa ở Tiên Nộn không nở đẹp như năm trước. Lượng hoa nơi đây cũng khá ít so với nhu cầu tiêu thụ. Hoa chất lượng thấp nên rất khó bán, giá thấp. Bình quân mỗi cành hoa cúc chỉ 6.000 đồng, thấp hơn 1-2 ngàn đồng so với mọi năm”.

Làng Tiên Nộn có hơn 400 hộ trồng hoa; trong đó có khoảng 20 hộ trồng theo mô hình hợp tác xã, trồng trong nhà lưới, tập trung. Còn lại các hộ trồng nhỏ lẻ theo diện tích đất vườn của mỗi hộ. Chi phí gieo trồng trung bình mỗi sào dao động từ 7 - 9 triệu đồng mỗi vụ. Do thời tiết khắc nghiệt, năng suất, chất lượng hoa không như mong muốn, giá thấp nên hầu hết các hộ dân chỉ mong vụ tết không thua lỗ.

Người dân Tiên Nộn bán hoa tại vườn

Không riêng vựa hoa Tiên Nộn, mưa lũ, rét kéo dài thời gian qua khiến năng suất, chất lượng các loại hoa năm nay tại nhiều địa phương vùng trũng không bằng nhiều năm trước. Ông Văn Mạnh Linh, Giám đốc HTX Vân Thê, xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) cho rằng, năm nay, người dân chuẩn bị hoa tết sớm hơn mọi năm. Nhưng từ khi bắt đầu xuống giống cũng là lúc xảy ra mưa lũ gây thiệt hại; sau lũ người dân khôi phục xong thì gặp rét đậm rét hại kéo dài nên hoa kém phát triển. Chất lượng hoa tết năm nay khá thấp. Một số vườn đến nay mới chớm nụ. HTX đang tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp chăm sóc, kích thích hoa nở đúng dịp tết, nâng cao chất lượng hoa. Tuy nhiên, hoa năm nay có khả năng cho thu nhập giảm 20-30% so với nhiều năm trước.

Làng La Vân Hạ, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) cũng nổi tiếng trồng hoa chất lượng nhờ phù sa từ dòng sông Bồ. Trừ những mùa lũ lớn, hầu như vụ tết năm nào người dân cũng có nguồn thu nhập cao từ hoa cúc, vạn thọ, đồng tiền… Riêng vụ tết năm nay, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong chia sẻ, người trồng hoa La Vân Hạ đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết phức tạp. Mặc dù sử dụng nhiều biện pháp kích thích, chăm sóc đặc biệt nhưng chất lượng hoa vẫn thấp, một số vườn có khả năng nở không đúng dịp tết.

Ông Hồ Đắc Thọ, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đánh giá, ngay từ sau các đợt mưa lũ cuối năm, chi cục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân khôi phục rau màu, hoa phục vụ tết. Tuy nhiên thời điểm sau lũ, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, rét đậm rét hại nên nhiều loài hoa ngắn ngày phát triển kém, sản phẩm chất lượng không cao, giảm nguồn thu nhập của người trồng hoa. Những ngày giáp tết này, cán bộ bảo vệ thực vật tiếp tục về các làng hoa, triển khai hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, kích thích hoa phát triển, nâng cao chất lượng, phục vụ nhu cầu thị trường tết.

Bài, ảnh: Trần Minh Hảo