Dù lụt bão, thiên tai, người dân Huế vẫn kiên cường vượt qua

Có năm nào mà như năm nay đâu! Có những lúc con người bịt kín khăn, trùm kín miệng, ngồi co ro. Co ro trước dịch bệnh, co ro trước bão và co ro trong lụt ngập đường ngập sá, nước cứ bạc trắng mênh mông từ sông hồ, đường phố, xóm làng, đồng ruộng. Thì cứ tin những gì mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nói: 10 năm nữa chưa chắc gì miền Trung phục hồi như trước đây được. Nhiều gia đình vừa thoát nghèo, đang khá lên, bị lũ cuốn đi tất cả, trở về tay trắng…

Thừa Thiên Huế cũng cùng chung số phận. Không thể thống kê đầy đủ, nhưng chúng ta hình dung mức thiệt hại là ghê gớm: thiệt hại do dịch bệnh ước tính 9.000 tỷ đồng; thiệt hại do thiên tai là hơn 2.000 tỷ đồng. Vị chi 11.000 tỷ đồng. Nó bằng chừng hai năm cật lực thu ngân sách. Nó bằng gần trăm năm mà hệ thống kinh tế hợp tác như bây giờ tạo ra doanh thu. Và bằng gì nữa ? Nó bằng chừng đến mấy năm tổng doanh thu của ngành du lịch - một ngành có thế mạnh nổi trội của tỉnh. Đó là những con số đo đếm được. Nếu tính cả những gì không thể lượng hóa bằng những con số khô khan thì có lẽ nó còn lớn hơn.

Cuộc sống của chúng ta ngày càng kết nối hơn thì trong sự thất bát kia không có bất kỳ ai đứng ngoài sự ảnh hưởng. Người nghèo, có thể nghèo thêm. Những người cuộc sống vốn đã bấp bênh thì nay lại càng bấp bênh hơn nữa. Trước đây làm ăn được, thu nhập ổn định, một em bé bán vé số, một chị bán bánh bèo nậm lọc dạo… có thể nhận được sự hỗ trợ của người mua. Ừ thì chưa hẳn cầu may, nhưng mà mua một hai vé số để ủng hộ. Chưa hẳn là đói, nhưng cũng mua giúp cho chị bán bánh dạo mươi ngàn… Tôi biết hai vợ chồng một người cùng làm trong ngành du lịch. Vợ làm buồng phòng, chồng làm bảo vệ. Mấy tháng đầu dịch bệnh công ty cố gắng gượng. Đến một lúc buộc phải giảm lương một nửa. Cuối cùng là đành phải cho nhân viên nghỉ việc, chỉ còn hỗ trợ được cho người vợ 1 triệu đồng một tháng. Người chồng “may mắn” vì làm bảo vệ, không thể để một tài sản không có người trông coi nên được hưởng 50% lương. Thế là bắt đầu một cuộc bươn chải mới. Xin đi rửa chén bát cho các quán ăn; xin dọn dẹp nhà cửa theo buổi… Thu nhập còm cõi những có vẫn còn hơn không. Phải gắng mà tồn tại với hy vọng sẽ vượt qua đận khó khăn…

Người nghèo, công nhân, lao động tự do ảnh hưởng là lẽ đương nhiên. Nguyên liệu, hàng hóa không nhập không xuất được lấy đâu ra việc làm. Nhưng những người được cho là giàu có cũng chưa chắc gì là không lo lắng, suy tư. Những khách sạn hàng chục, hàng trăm tỷ tối đèn lấy đâu ra khách. Từng đoàn xe 16, 45 chỗ từng hái ra tiền khi du lịch tăng trưởng mạnh bây giờ cứ đứng sắp hàng. Cái cực này nó tác động lên cái cực kia. Khách sạn, nhà hàng đóng cửa. Ngân hàng loay hoay tìm giải pháp giãn nợ, đảo nợ. Người có tiền không biết đầu tư vào đâu phải đi mua vàng làm vàng tăng giá. Tiền gửi vào ngân hàng nhiều làm cho lãi suất sụt giảm. Những nền kinh tế tăng trưởng âm là điều không thiếu…

Những biến động của năm 2020 đều là những thứ quá sức tưởng tượng và khó lường.

Một buổi sáng chừng 4h30 - 5 giờ, một quán cà phê, trà gừng vỉa hè ven sông Hương, những người lớn tuổi ngồi sát nhau dưới bạt mưa và dù che tạm. Nhìn qua bên kia sông Hương trời mưa giăng giăng và ánh đèn đường hắt lên đường, lên cây một màu vàng nhạt; ánh đèn làm ấm lại không gian. Ánh đèn như sưởi ấm lòng người. Có một ai đó thốt lên: “Mưa răng mà mưa cố đợi”. Tôi không hiểu rõ nghĩa của những từ này nhưng mang máng nhận ra, nó có vẻ như là một sự phàn nàn – mưa nhiều quá, mưa hoài, mưa miết. Và tiếng nói tiếng cười vẫn cứ vang lên. Lạ thật! Rất nhiều câu chuyện trong đó, có nỗi buồn và cũng lắm niềm vui!

Nó cũng giống như hai mặt của một đồng xu. Nó cũng giống như cuộc sống có những thất bát và điều chỉnh để vươn lên. Chúng ta sẽ nhớ về những gì quá khắc nghiệt trong năm nay và cũng không mất đi niềm hy vọng: cuộc sống vốn dĩ có một sức mạnh kỳ diệu của nó như đã từng vượt qua trong quá nhiều biến cố đã qua.

Nhiều định chế tài chính nhận định rằng, Việt Nam là một nền kinh tế có sức bật mạnh mẽ nhất trong năm 2021, có thể đạt mức tăng trưởng dao động từ 6 -7% và có thể nhỉnh hơn. Hai lý do quan trọng nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh và độ mở của nền kinh tế. Nền kinh tế được hỗ trợ bởi CPTPP ( Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU). Những chỉ dấu phục hồi nhanh từ quý 3 năm 2020 là cơ sở để củng cố những nhận định đó.

Riêng kinh tế Thừa Thiên Huế cũng có những dấu hiệu đáng mừng như vậy. Hai quý đầu năm 2020 chỉ tăng trưởng 0,38% và nó dần tăng lên vào hai quý cuối năm để năm 2020 chúng ta có mức tăng trưởng GRDP 2,06%. Những yếu tố khác như công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng khá; đầu tư công được tăng cường; hàng loạt dự án kinh tế lớn bắt đầu hoạt động từ năm 2021 và những năm tiếp theo; dịch bệnh chúng ta đã kiểm soát tốt trong thời gian qua và có những hy vọng được kiểm soát trên toàn cầu nhờ vaccine và những biện pháp phòng bệnh tốt; du lịch có cơ hội phục hồi… sẽ là những hỗ trợ tốt cho nền kinh tế hồi phục. Đó có thể là những căn cứ mà tỉnh ta đưa ra mức dự báo tăng trưởng GRDP trong năm 2021 là từ 7,4 -8,4%, dù lấy mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 làm năm gốc.

Chúng ta sẽ nhớ về những thất bát nhưng chúng ta cũng có quyền hy vọng. Nó cũng như tiếng lao xao nói cười của các cô các bác ở quán cà phê ven sông Hương vào một buổi sớm mai. Niềm hy vọng sẽ làm cho cuộc sống này tươi trẻ trở lại...

Bài: Nguyễn Thanh Lê - Ảnh: Nguyễn Phong